Viên nén gỗ của Việt Nam hướng tới thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD

Viên nén Gỗ
21:49 - 28/10/2022
Viên nén gỗ Việt Nam có nhiều lợi thế trong xu hướng năng lượng tái tạo.
Viên nén gỗ Việt Nam có nhiều lợi thế trong xu hướng năng lượng tái tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Với nguồn nguyên liệu dồi dào, viên nén gỗ của Việt Nam là sản phẩm có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao của thế giới và sẽ sớm trở thành mặt hàng xuất khẩu 1 tỷ USD.

Tại Đại hội thành lập Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam nhiệm kỳ I (2022 - 2023), chiều 28/10 do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hiện cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ.

Trong những năm vừa qua, giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 165 triệu USD vào năm 2017 lên 413 triệu USD năm 2021. Trong 10 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu khoảng 568 triệu USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ 2021. Hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới.

Giá trị xuất khẩu viên nén gỗ đã tăng vọt trong 10 tháng đầu năm là do Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh sử dụng viên nén gỗ để sản xuất điện thay cho dầu đang tăng giá do cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Trong khi đó, Việt Nam có nhiều nguồn nguyên liệu tạo ra viên nén gỗ rất dồi dào. Theo thống kê, hàng năm cả nước có khoảng 20 triệu mét khối củi, cành nhánh và vỏ bào, mùn cưa đáp ứng nguyên liệu sản xuất viên nén. Tuy nhiên, việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ dù tăng cao trong thời gian vừa qua nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của ngành.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, nguyên nhân là do còn có những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như chưa có tiêu chuẩn hướng dẫn sản xuất, quy định về chất lượng sản phẩm, nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng bộ, chất lượng kém, đẩy giá xuất khẩu xuống thấp.

Nhà nước cũng chưa có chính sách riêng biệt hỗ trợ hoạt động sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ nên chưa khai thác được hết tiềm năng của ngành sản xuất sản phẩm này. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến viên nén gỗ cũng chưa có tiếng nói chung trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh mua nguyên liệu, mạnh ai lấy làm trong xuất khẩu.

“Trong bối cảnh như vậy, việc thành lập chi hội viên nén gỗ Việt Nam để đoàn kết, thống nhất các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ, giải quyết những khó khăn vướng mắc, đảm bảo cho ngành công nghiệp sản xuất viên nén gỗ phát triển bền vững, hiệu quả là hết sức cần thiết", ông Bùi Chính Nghĩa đánh giá.

Đại hội thành lập Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam nhiệm kỳ I (2022 - 2023), chiều 28/10 tại Quảng Ninh.

Đại hội thành lập Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam nhiệm kỳ I (2022 - 2023), chiều 28/10 tại Quảng Ninh.

Đáp ứng nhu cầu của thị trường năng lượng thế giới

Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam trực thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 56/QĐ - HHG ngày 19/10/2022. Tại Đại hội nhiệm kỳ I (2022 – 2025), ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng sinh học Phú Tài đã được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam.

Đề cập đến sự cấp thiết của phát triển ngành viên nén gỗ, ông Phong cho biết, tuy mới hình thành phát triển trong những năm gần đây, nhưng nhóm mặt hàng viên nén gỗ đang đóng góp quan trọng và sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, đưa viên nén trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng.

Tại COP 26, Chính phủ các nước đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm cả việc thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu sinh học như viên nén trong tương lai. Điều này dẫn đến cầu viên nén gỗ ngày càng tăng trong thời gian tới.

“Tác động của xung đột Nga – Ukraina buộc các quốc gia khối EU phải tìm nguồn cung nguyên liệu thay thế cho nguồn khí đốt từ Nga, đã đẩy mạnh nhu cầu về việc sử dụng viên nén tại khu vực này. Viên nén của Việt Nam có tiềm năng lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong tương lai”, ông Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tại thị trường nội địa cho năng lượng tái tạo, ông Phong cũng cho biết, viên nén gỗ đang trở thành một mặt hàng quan trọng giúp ngành gỗ đi đầu góp phần thực hiện mục tiêu COP 26 của Việt Nam.

Đề xuất giải pháp giúp ngành viên nén tăng trưởng, Chi hội trưởng Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam cho rằng, gia tăng sản xuất mặt hàng này giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, tạo giá trị gia tăng quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu.

“Với tiềm năng rộng mở về mặt thị trường trong tương lại, các doanh nghiệp cần chung tay giải quyết bài toán cạnh tranh nguồn nguyên liệu trong ngành viên nén, giữa các ngành sử dụng chung gỗ rừng trồng trong nước”, ông Nguyễn Thanh Phong đề xuất.

Tin liên quan

Đọc tiếp