Việt Nam có gần 7.000 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu

NÔNG NGHIỆP Năm 2023
17:00 - 04/01/2024
Việt Nam có 6.997 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu đi các thị trường. Ảnh: VienEakmat
Việt Nam có 6.997 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu đi các thị trường. Ảnh: VienEakmat
0:00 / 0:00
0:00
Theo thông tin tại buổi Tổng kết Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường năm 2023 ngày 4/1, tính đến hết năm 2023 Việt Nam có 6.997 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu đi các thị trường; 1.613 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT, năm 2023, toàn ngành đã thực hiện thanh tra 25.861 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản; xử phạt hành chính 2.443 cơ sở, tăng 8,1% so với năm 2022 với số tiền phạt 24,277 tỷ đồng, tăng 20%.

92% cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ được ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm (tăng so với năm 2022 là 75%). Tỷ lệ cơ sở được thẩm định, duy trì đủ điều kiện an toàn thực phẩm (xếp loại A/B) là 99,02%, tăng so với năm 2022 là 98,35%.

Năm 2023, Việt Nam bổ sung 38 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc, nâng tổng số lên 786 cơ sở. Thêm 13 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU, nâng tổng số lên 524 cơ sở.

Việt Nam có thêm 45 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ, cua, tôm hùm sống, nâng tổng số lên 585 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc; 1 cơ sở cá tra vào Mỹ, nâng tổng lên mức 26 cơ sở; 2 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Liên bang Nga với tổng là 83 cơ sở. 6.997 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu đi các thị trường; 1.613 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu. Việt Nam đã bổ sung sản phẩm xuất khẩu như sầu riêng, tổ yến sang Trung Quốc; bưởi diễn, dừa tươi sang Mỹ,…

Trong năm 2023, các đơn vị sự nghiệp thuộc Cục CLCB&PTTT đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 107.563 lô hàng với hơn 1,8 triệu tấn thủy sản xuất khẩu. Trong đó cấp theo yêu cầu của nước nhập khẩu là 78.635 lô với hơn 1,2 triệu tấn; cấp theo yêu cầu khách hàng là 28.928 lô với gần 600.000 tấn. Các đơn vị đã tổ chức đào tạo, tập huấn 128 lớp với 9.367 lượt người tại các doanh nghiệp về kiến thức an toàn thực phẩm, HACCP, truy xuất, xử lý sự cố an toàn thực phẩm...

107.563 lô hàng thủy sản xuất khẩu được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trong năm 2023.

107.563 lô hàng thủy sản xuất khẩu được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trong năm 2023.

Tuy nhiên, năm 2023 tỷ trọng sản phẩm canh tác đạt chứng nhận VietGAP và tương đương vẫn còn thấp. Chất lượng, an toàn thực phẩm cải thiện nhanh nhưng chưa bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, thị trường xuất khẩu.

Tỷ trọng sản phẩm chế biến gia tăng giá trị còn thấp; chuỗi cung ứng lạnh còn thiếu và yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn cao, từ 10 - 20%. Chi phí logistics còn cao so với các nước trong khu vực.

Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm, thiếu sáng tạo, đổi mới.

Tổ chức, nguồn lực thực thi công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm các cấp thiếu ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu; chưa rõ tổ chức, nhân sự chịu trách nhiệm phổ biến, giám sát, thực thi pháp luật tại cấp xã, phường.

Kế hoạch năm 2024

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, năm 2024 cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến gắn với cơ sở chế biến nông thủy sản bảo đảm chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Theo dõi sát và kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; báo cáo, hướng dẫn xử lý và triển khai các biện khắc phục đối với các lô hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước vi phạm an toàn thực phẩm.

Hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển giao ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, gia tăng chế biến; tổ chức sản xuất theo quy định thị trường…

Duy trì giám sát, cảnh báo, thanh tra, kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm…

Chủ động đàm phán kỹ thuật, ký bản ghi nhớ, nghị định thư, thoả thuận mở cửa thị trường, gia tăng sản phẩm, vùng trồng, doanh nghiệp được xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối giao thương, phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản...

Tin liên quan

Đọc tiếp