'Việt Nam có thể còn dư địa về tài khóa, tiền tệ nhưng dư địa thời gian không còn'

ĐẦU TƯ CÔNG Việt nAM
22:15 - 21/09/2022
'Việt Nam có thể còn dư địa về tài khóa, tiền tệ nhưng dư địa thời gian không còn'
0:00 / 0:00
0:00
Duy trì dự báo tích cực về tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6,5% năm 2022. Song theo chuyên gia ADB, từ nay đến cuối năm, Việt Nam có thể có dư địa về tiền tệ, tài khóa, nhưng không còn nhiều dư địa về thời gian, đặc biệt là đối với vấn đề giải ngân đầu tư công.

Tại buổi họp báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam ngày 21/9, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam nhận định, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2022 nhờ những cân đối vĩ mô vững mạnh, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành chế biến chế tạo, dịch vụ và tiêu dùng nội địa từ tháng 7 đến tháng 12.

Do đó, ADB duy trì dự báo tăng trưởng Việt Nam là 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Đây là mức dự báo cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á trong năm nay.

Nhiều thách thức và rủi ro phải đối mặt

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế ADB cũng nhận định triển vọng kinh tế Việt nam sẽ đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao tại Mỹ và EU làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Tình trạng thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động tới sự phục hồi các ngành dịch vụ - sản xuất hàng xuất khẩu.

"Việc các ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt điều kiện tài chính cũng có tác động xấu với điều kiện kinh tế tài chính Việt Nam", ông Nguyễn Minh Cường nhận định.

Ngoài ra, các yếu tố khó kiểm soát như tình hình dịch Covid-19 và khả năng xảy ra một đợt tăng giá dầu, cũng được dự báo có thể mang lại những hệ quả khó đong đếm.

Đáng chú ý, yếu tố đang hiện hữu gây trở ngại cho phát triển kinh tế là việc chậm thực hiện đầu tư công và các khoản chi xã hội. ADB nhận định đây là sự chậm trễ đã tồn tại từ đầu năm nay và sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam nếu không được giải quyết nhanh chóng.

'Việt Nam có thể còn dư địa về tài khóa, tiền tệ nhưng dư địa thời gian không còn' ảnh 1

Từ nay đến cuối năm, Việt Nam có thể có dư địa một chút về tiền tệ, có thể có dư địa nhiều hơn về tài khóa, nhưng dư địa thời gian Việt Nam không có, đặc biệt là vấn đề giải ngân đầu tư công.

Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam

Từ kết quả giải ngân chậm trễ...

Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố, tính đến hết tháng 8/2022, có hơn 212.227 tỷ đồng được giải ngân, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so với tỷ lệ cùng kỳ năm 2021 (40,6%), song nếu tính về số tuyệt đối, thì lại cao hơn tới hơn 24.942 tỷ đồng. Trong 8 tháng năm 2021, số vốn giải ngân là hơn 187.285 tỷ đồng.

Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm nay là tương đối lớn, bao gồm 222.000 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và 304.105 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương. Nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang, thì tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 là trên 542.105 tỷ đồng.

Như vậy, để giải ngân 100% kế hoạch vốn trong 4 tháng còn lại của năm, còn một ngân khoản gần 330.000 tỷ đồng đang chờ được giải ngân. Đấy là chưa kể ngân khoản từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quy định của Luật Đầu tư công 2019, số vốn kế hoạch năm 2021 không giải ngân hết và không thuộc các trường hợp được xem xét kéo dài theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sẽ bị hủy dự toán và trừ tương ứng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Điều này có nghĩa, nếu không giải ngân hết trong năm nay, các bộ, ngành, địa phương sẽ bị "mất vốn", ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án, ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

...đến việc giải quyết căn cơ vấn đề đầu tư công

Trao đổi với phóng viên Mekong ASEAN, ông Cường cho biết, tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công liên tục chậm là câu chuyện "dài nhiều kỳ" về sự "có tiền mà không tiêu được", có nguyên nhân quan trọng là chưa tháo gỡ được các nút thắt về cơ chế, chính sách, nhất là các thủ tục về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực thật sự và sự thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm…trong việc triển khai các dự án lớn.

Theo ông Cường, muốn giải quyết căn cơ việc giải ngân đầu tư công, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, kích thích sáng tạo đổi mới trong hoạt động giải ngân vốn.

"Chúng ta cũng không chỉ cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan như Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản… một cách đồng bộ. Nếu điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện", ông Cường gợi ý.

Đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 vì cứ tăng được 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài Nhà nước, cao hơn so mức lan toả của trước khi có đại dịch. Năm 2019, giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,42 vốn đầu tư xã hội.

Bên cạnh tính dẫn dắt và lan toả, bản thân đầu tư công cũng đóng góp không nhỏ đến tăng trưởng. Theo tính toán, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so năm trước có tác dụng giúp GDP tăng thêm 0,058%. Đối với nền kinh tế Việt Nam, đóng góp của yếu tố vốn vào tăng trưởng kinh tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp khác (giai đoạn 2016-2020, yếu tố vốn đóng góp đến 53,3%).

Năm 2022 và những năm tiếp theo, các kịch bản điều hành được xây dựng trên cơ sở tăng mạnh vốn đầu tư công, làm vốn mồi tạo cú huých đưa nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng cao, gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển sau đại dịch. Do đó, nếu giải ngân không đạt kế hoạch sẽ khiến cú huých này giảm lực, ảnh hưởng đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp