VN-Index giảm hơn 10 điểm, HPG ngừng rơi ở vùng giá thấp nhất 2 năm

HPG VN INDEX
15:47 - 02/11/2022
Giao dịch của nhóm vốn hoá lớn trong phiên 2/11. Vietstock
Giao dịch của nhóm vốn hoá lớn trong phiên 2/11. Vietstock
0:00 / 0:00
0:00
Trong phiên giao dịch ngày 2/11, VN-Index điều chỉnh trở lại và hình thành mẫu hình nến Bear Sash cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang bi quan. Cổ phiếu HPG hồi phục sau 2 phiên bị bán tháo.

Kết phiên, chỉ số sàn HoSE dừng ở mốc 1.023,19 điểm, giảm hơn 10 điểm so với hôm qua. Trong suốt diễn biến phiên, bên bán chiếm ưu thế nên đường chỉ số không có thời điểm nào lên lại ngưỡng tham chiếu.

HNX-Index giảm 0,7 điểm còn UPCoM giảm 0,48 điểm. Thanh khoản sụt giảm với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 1.800 tỷ đồng và bán ròng gần 250 tỷ đồng trên sàn HoSE.

HPG vẫn chưa thôi bị nhà đầu tư nước ngoài “xả hàng” với giá trị 177 tỷ đồng, dẫn đầu trong nhóm bị bán ròng. Tiếp sau là KBC 87 tỷ đồng, GAS 42 tỷ đồng, SSI, VNM, NVL hơn 20 tỷ đồng. Ngược lại, DGC và VHM được mua ròng mạnh nhất với giá trị 46 tỷ đồng và 44 tỷ đồng. Các mã HDG, FRT, VRE, PVD... cũng nằm trong danh sách được khối ngoại mua ròng nhiều.

Mặc dù vẫn bị khối ngoại bán không thương tiếc nhưng HPG đã nhận được lực cầu tốt ở vùng giá thấp. Kết phiên, mã này tăng 2,33% lên mức giá 15.350 đồng. Trong 2 phiên trước, cổ phiếu của Tập đoàn Hoà Phát bị bán tháo với khối lượng khớp lệnh khủng, đặc biệt phiên hôm qua lập kỷ lục thanh khoản với hơn 82 triệu đơn vị được trao tay.

Với sự dẫn dắt của HPG, nhóm thép hôm nay cũng giao dịch tích cực. HSG tăng 6,4%, NKG tăng 4,3%, VGS tăng 3%, TLH và SMC tăng gần 2%. Các mã này thời gian qua đều giảm mạnh do ảnh hưởng của kết quả kinh doanh kém sắc quý 3.

Tuy nhiên nhóm thép không phải là nhóm tăng mạnh nhất hôm nay. Vị trí này thuộc về nhóm khai khoáng với sự bứt phá của các mã dầu khí. PVD tăng trần, PTV và PVC tăng gần 8%, PVB tăng 6,2%, PVS tăng 5,6%, BSR tăng 1,7%...

Nhóm dầu khí được hỗ trợ bởi giá xăng dầu trong nước và thế giới. Trong nước, phiên điều chỉnh chiều qua, mỗi lít xăng bán lẻ đắt thêm 380-410 đồng, các mặt hàng dầu cũng tăng 120-290 đồng một lít, kg. Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 của mặt hàng này từ giữa tháng 10 đến nay.

Trên thị trường thế giới, phiên 2/11 giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 1 tăng 1,84 USD, tương đương 2% lên 94,65 USD/thùng. Giá dầu thô trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ tăng 1,84 USD, tương đương 2,1%, lên 88,37 USD, sau khi giảm 1,6% trong phiên trước.

Giá dầu tăng do lạc quan rằng Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, có thể gỡ bỏ những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống Covid-19. Đầu tuần này, OPEC đã nâng dự báo về nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn, nói rằng cần có 12.100 tỷ USD đầu tư để đáp ứng nhu cầu này.

Các nhóm khác ở chiều tăng là sản phẩm cao su, nông nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, bán buôn... Ngược lại, nhóm bán lẻ dẫn đầu chiều giảm với vốn hoá -3,8%. MWG giảm 4,2%, FRT giảm gần 4%. Đứng thứ 2 là nhóm nhựa - hoá chất với DCM nằm sàn, DPM -5,5%, DGC -2,7%, GVR -2,1%...

Nhóm ngân hàng giảm 1,17% giá trị vốn hoá. Chỉ có 3 mã ở chiều tăng là OCB, VIB và VPB. Chiều giảm có EIB âm nặng nhất với tỷ lệ -5,4%, LPB, PGB, SGB, SHB cũng giảm 2-4%.

Nhìn chung, VN-Index hôm nay giao dịch thận trọng cùng pha với chứng khoán thế giới trước giờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố mức tăng lãi suất.

Fed đã khởi động cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày thứ Ba, với kết quả được kỳ vọng sẽ là một quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm đưa ra vào đầu giờ chiều ngày thứ Tư theo giờ Washington DC, tức rạng sáng ngày thứ Năm theo giờ Việt Nam.

Nhà đầu tư chờ tuyên bố của Fed và cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell để tìm kiếm những tín hiệu về sự giảm tốc của lãi suất.

Tin liên quan

Đọc tiếp