VN-Index vượt mốc 1.510 điểm, cổ phiếu ‘họ Louis’ đồng loạt tăng trần

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
16:06 - 21/02/2022
Cổ phiếu BII thuộc họ Louis tăng kịch trần.
Cổ phiếu BII thuộc họ Louis tăng kịch trần.
0:00 / 0:00
0:00
Sau nhiều phiên tích lũy, VN-Index hôm nay chính thức vượt mốc tham chiếu 1.510 điểm, trong đó đà hỗ trợ đến từ nhóm blueschip và dòng cổ phiếu chứng khoán, bất động sản. Đáng chú ý, hai họ gây chú ý trong năm 2021 là FLC và Louis đồng loạt tăng giá mạnh.

Kết phiên 21/2, chỉ số VN-Index đạt 1510.84 điểm, tương đương tăng 6 điểm so với phiên cuối tuần trước. HNX-Index và UPCoM cũng tăng lần lượt 1,2 và 0,8 điểm, về mốc 440.99 và 113.67. Đáng chú ý, dòng tiền đã phát tín hiệu tích cực khi thanh khoản tăng mạnh, tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt gần 28.000 tỷ đồng.

VN-Index hôm nay chính thức vượt mốc tham chiếu 1.510 sau nhiều phiên tích lũy nhờ “bệ phóng” vững chắc là nhóm VN30. Trong đó, VIC đóng góp lớn nhất với tỷ lệ tăng 1,7%. Đây là phiên tăng giá mạnh nhất của VIC kể từ sau khi Vingroup công bố báo cáo tài chính với con số lỗ khủng năm 2021. Sau nhiều phiên giảm giá liên tiếp về mức 81.000 đồng/cp, có thể lực cầu bắt đáy của VIC đã xuất hiện, khi câu chuyện về xe điện của Vingroup vẫn còn nhiều điều để nói trong thời gian tới.

Các mã lớn khác cũng có đóng góp tích cực trong phiên hôm nay là GVR (+3%), BID (+1,2%), ACB (+1,6%), VHM (+0,4%), FPT (+1,4%), VRE (+1,5%), VCB (+0,2%)… Ở chiều ngược lại, MSN là nhân tố kéo điểm của VN-Index xuống mạnh nhất với tỷ lệ giảm 1,8%. Các mã khác ở chiều giảm là BVH, CTG, GAS, HPG, MWG, PNJ, POW, STB, TCB, VJC.

Xét về nhóm ngành thì chứng khoán là nhóm đóng góp lớn nhất cho VN-Index trong phiên đầu tuần. Chỉ có BCG ở chiều giảm (-0,8%), PHS và TVS đứng giá còn lại đều đổ xanh với mức chênh lệch cao. Tăng mạnh nhất là SBS +8,1%, HBS +7,1%, APS +6,9%, TCI +6,5%, AAS +6,4%, BMS +5,6%, TVB +5,2%; các mã khác cũng tăng từ 2-5%.

Nhóm xây dựng và bất động sản tiếp tục ghi nhận phiên giao dịch triển vọng với 14 mã tăng trần, 140 mã tăng giá, 125 mã đứng giá; áp đảo so với 53 mã giảm giá. Tăng trần có CTH, MH3, VRC, HDC, CII, NHA, VE3, VNE, HAR, BII… Nhiều mã tăng mạnh như BVL +14,3%, CI5 +13,6%, VE9 +11%, HD6 +10,9%, HU4 +9,4%, HU4 +9,6%, VIW +8,8%...

Nhóm vận tải và kho bãi vẫn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư khi hoạt động sôi nổi trở lại sau một thời gian bị Covid-19 “ghìm chân”. TMS, QLT và PJT tăng trần trong khi hàng loạt các mã khác cũng tăng mạnh như ILS, VFR +10%, CCR +8,8%, TR1 +8,7%, PAP +7,7%, VSA +7,2%, HHG +6,7%...

Nhóm dầu khí và ngân hàng không có nhiều tác động khi số mã tăng và giảm gần như tương đương, mức chênh lệch cũng không đáng kể. Điểm trừ hôm nay đến từ nhóm thép khi HPG, HSG, NKG, POM, SMC, VCA, HCM đều ở chiều giảm. Chỉ có TIS đi ngược lại xu hướng nhóm ngành với tỷ lệ tăng 0,8%.

Top cổ phiếu ảnh hưởng đến điểm số VN-Index hôm nay.

Top cổ phiếu ảnh hưởng đến điểm số VN-Index hôm nay.

Cổ phiếu nổi bật hôm nay gọi tên hai họ từng gây sóng gió trong năm 2021 là FLC và Louis. Trong họ FLC, ROS tăng mạnh nhất với tỷ lệ 6,2%. ART tăng 4,65 trong khi FLC và AMD cũng tăng hơn 3%. HAI tăng 2%, KLF tăng 1,6%. Chỉ có GAB ở chiều giảm với tỷ lệ thay đổi chỉ 0,05%.

Còn họ Louis với các mã cổ phiếu BII, VKC, SMT, AGM, TGG đồng loạt trong tình trạng “trắng bên bán”. Cái tên Louis bắt đầu xuất diện trên sàn chứng khoán khi Louis Holding của ông Đỗ Thành Nhân liên tục thâu tóm các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Đầu tiên là gom cổ phiếu BII của CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (nay là Louis Land) từ cuối năm 2020 và chính thức nắm quyền chi phối từ cuối tháng 2/2021.

Tiếp đó là mua gom cổ phiếu TGG của CTCP Đầu tư và Xây dựng Trường Giang (nay là Louis Capital). Louis Holding hoàn tất thâu tóm và đưa nhiều nhân sự chủ chốt vào các vị trí quan trọng của TGG từ tháng 5/2021; đồng thời chuyển hướng hoạt động từ chuyên thi công xây lắp các công trình dân dụng, cơ sở hạ tầng bất ngờ sang hoạt động tư vấn, đầu tư M&A doanh nghiệp.

Liên tiếp sau đó, Louis Holdings mua gom cổ phiếu CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex – mã AGM), CTCP Sametel (mã SMT), CTCP DAP - Vinachem (mã DDV), CTCK APG (mã APG) và CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khánh (mã VKC). Louis Land cũng trở thành cổ đông lớn của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH).

Điểm chung của các cổ phiếu mà Louis Holding gom mua là đều “lớn nhanh như thổi” trong giai đoạn từ tháng 8 đến giữa tháng 9/2021. Với chuỗi ngày liên tục tăng trần, các mã này đều leo lên mức đỉnh cao nhất kể từ khi lên sàn. TGG thậm chí còn tăng đến hơn 65 lần, trong khi BII cũng tăng gần 22 lần chỉ sau một năm. Đây là những con số vượt xa tưởng tượng đối với các cổ phiếu chưa có nhiều chuyển biến khả quan trong tình hình kinh doanh, thậm chí còn nhiều vấn đề tồn đọng khó giải quyết.

Tuy nhiên cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc. Sau giai đoạn tăng sốc, cổ phiếu “họ Louis” đã đồng loạt quay đầu giảm sâu ngay vùng đỉnh. Các phiên nằm sàn la liệt ngày càng xuất hiện nhiều sau khi Louis Capital bất ngờ có văn bản “tự thanh manh” về “lùm xùm” thao túng giá cổ phiếu. TGG từ mức giá 75.000 đồng/cp về vùng 17.000 đồng; BII cũng trượt dài vùng 30.000 đồng/cp về vùng 10.000 đồng. VKC cũng chung cảnh ngộ khi rơi tự do từ 28.000 đồng/cp xuống vùng 10.000 đồng…

Cổ phiếu “họ Louis” bật tăng trần trong phiên hôm nay khá bất ngờ bởi thời gian qua, nhóm doanh nghiệp này không có câu chuyện đáng chú ý, ngoài việc BII công bố thông tin thay Tổng giám đốc. Theo đó, sau 8 tháng ngồi ghế Tổng giám đốc BII, ông Lục Tấn Huy đã bị miễn nhiệm và được thay thế bởi nữ tướng 8x Nguyễn Giang Quyên.

BII đang phát tín hiệu hồi phục sau chuỗi giảm sâu từ vùng đỉnh.

BII đang phát tín hiệu hồi phục sau chuỗi giảm sâu từ vùng đỉnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp