VNDirect đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 16%, dự báo VN-Index lên 1.350 điểm

VNdirect CHỨNG KHOÁN
15:23 - 20/04/2023
VNDirect lạc quan về sự phục hồi của thị trường.
VNDirect lạc quan về sự phục hồi của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Chứng khoán VNDirect (mã VND) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế công ty mẹ 2.000 tỷ đồng cho năm 2023, tương ứng mức tăng trưởng 16% so với kết quả thực hiện năm 2022.

Kế hoạch kinh doanh được chia sẻ trong báo cáo thường niên 2022 VNDirect vừa công bố. Mức tăng trưởng lợi nhuận trên được đặt trong kế hoạch doanh thu 3.160 tỷ đồng.

Công ty kỳ vào mảng đầu tư nguồn vốn với mức doanh thu tăng trưởng dự kiến đạt 129% (480 tỷ đồng). Ngược lại, mảng dịch vụ chứng khoán dự kiến giảm 32%, ở mức 860 tỷ đồng. Mảng dịch vụ đầu tư tài chính đóng góp lớn nhất nhưng kế hoạch cũng thận trọng với mức tăng 1%, lên 1.620 tỷ đồng.

Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2023, VNDirect dự báo, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ 2022 trong nửa đầu năm; sau đó cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2023, đưa mức tăng trưởng cả năm lên 14%.

Trong đó ngành hàng không sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật nhờ sự phục hồi gần như hoàn toàn của các chuyến bay quốc tế. Ngành vật liệu xây dựng cũng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể nhờ giá nguyên liệu đầu vào (than, quặng, sắt) giảm. Ngược lại, ngành dầu khí và hóa chất có thể giảm từ mức nền cao 2022.

Công ty chứng khoán cho rằng, năm 2023 cả nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán sẽ có hai nửa diễn biến tương đối khác nhau. Trong những tháng đầu năm 2023, nguyên nhân thị trường tăng phần lớn do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn, song đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó.

Tuy nhiên, từ giữa 2023, VND kỳ vọng đà tăng sẽ vững chãi nhờ các yếu tố:

Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2023, sớm nhất rơi vào quý 1/2024. Khi các ngân hàng trung ương trở nên “bớt diều hâu”, sẽ kích hoạt một đợt định giá lại tài sản mới. Thị trường chứng khoán, đặc biệt là các thị trường mới nổi, sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất từ cách đó 4-6 tháng.

Tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối 2023 nhờ lãi suất giảm, đồng VND mạnh lên, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo thêm động lực. Đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp tích cực sẽ là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của thị trường.

Tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi. Ngoài ra, việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống. Đây cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.

Từ các phân tích trên, VND dự báo VN-Index sẽ quay trở lại mức 1.300 – 1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12 – 12,5 lần.

Tại ngày 30/12/2022, VN-Index đang giao dịch ở mức 10,5 lần P/E, thấp hơn 40% từ đỉnh 2022 và thấp hơn 34% so với trung bình định giá 5 năm (16 lần P/E).

“Chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn khá hấp dẫn so với các thị trường khu vực trong tương quan tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2023-2024. Rủi ro chủ yếu của thị trường vẫn là lạm phát không thể giảm xuống mức đủ để các ngân hàng trung ương nới lỏng. Ngược lại, thị trường sẽ khởi sắc hơn khi các chính sách tháo gỡ cho trái phiếu doanh nghiệp được thực thi quyết liệt, hay Việt Nam được nâng hạng sớm hơn dự kiến", VND nhận định.

Về thị trường trái phiếu, VNDirect cho rằng cần thêm thời gian để các thành viên tham gia thị trường (nhà phát hành, tổ chức bảo lãnh/tư vấn và nhà đầu tư) thích ứng với các quy định mới. Trong bối cảnh chi phí tài chính gia tăng, lực cầu nội địa yếu đi, thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp đang có xu hướng hoãn, hoặc hủy kế hoạch mở rộng kinh doanh, dẫn đến giảm nhu cầu vốn.

Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tương đối im lìm trong nửa đầu năm 2023 và phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm (từ mức nền thấp của 2022), nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.

Theo VND, hiện quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên GDP của Việt Nam là 15%; và 13% đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ, tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Chính phủ đang đặt mục tiêu quy mô thị trường này đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra một số biện pháp để tháo gỡ thế khó của trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm: Đẩy nhanh quy trình pháp lý để doanh nghiệp có quyền sử dụng đất, đề nghị Ngân hàng Nhà nước giảm chi phí đi vay cho các công ty và tham gia tái cơ cấu các nghĩa vụ trả nợ, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư…

Tin liên quan

Đọc tiếp

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Trong quý 1/2024, Grab ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh và khoản lỗ được thu hẹp. Hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều có cải thiện, nhờ lượng khách du lịch tăng cao trong các đợt lễ hội và các buổi hòa nhạc lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Tổng giám đốc Lê Đình Quang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ OCH: Kế hoạch kinh doanh thận trọng

Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH) được tổ chức ngày 15/5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Tính đến 8h ngày 15/5, số đại biểu tham dự là 4 cổ đông, đại diện cho 74,59% số cổ phần có quyền biểu quyết.