Văn phòng Chính phủ vừa có công điện 7776/CĐ-VPCP ngày 25/10/2021 chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Trong vòng 10 tháng, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 55,8% kế hoạch
Nội dung công điện cho hay, ước đến hết tháng 10/2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,2%).
Trước đó, báo cáo Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tỷ lệ giải ngân tính đến hết tháng 9/2021 ước đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2021 là 477.300 tỷ đồng, trong đó đã được Thủ tướng Chính phủ giao hết một lần cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ cuối năm 2020 là 461.300 tỷ đồng (chiếm 96,6% kế hoạch), còn lại 16.000 tỷ đồng (chiếm 3,4%) vốn của các CTMTQG chưa giao do chờ hoàn thiện thủ tục.
Tính đến hết tháng 9, tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, đủ điều kiện giải ngân là 434.226,088 tỷ đồng, đạt 93,9% kế hoạch. Vốn trong nước đạt 94,4% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 90,3% kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân vốn tính đến hết tháng 9 ước đạt 47,38% kế hoạch (461.300 tỷ đồng), trong đó vốn trong nước đạt 51,71%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (60,88), vốn nước ngoài đạt 12,69%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (21,65%).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Quốc hội) |
Phân bổ vốn đầu tư công năm 2022: phấn đấu giải ngân trên 90%, ưu tiên các dự án đường cao tốc, cảng biển, hạ tầng trọng điểm
Thế giới sẽ phải chấp nhận chung sống lâu dài với dịch bệnh Covid-19, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định đầu tư công tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Với nguồn lực có hạn, việc phân bổ đầu tư công cần tập trung vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao hiệu quả ngay từ khâu lập kế hoạch đến triển khai thực hiện, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 90% trong năm 2022.
Về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022, theo tổng hợp báo cáo từ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nhu cầu kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 là 611.367 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn ngân sách trung ương là 304.504 tỷ đồng (258.798 tỷ đồng vốn trong nước và 45.706 tỷ đồng vốn nước ngoài), vốn ngân sách địa phương là 306.863 tỷ đồng.
Số vốn NSNN dự kiến cân đối được trong năm 2022 là 526.106 tỷ đồng, tăng 10,2% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó, phân bổ cho vốn ngân sách trung ương là 222.000 tỷ đồng (bao gồm 187.200 tỷ đồng cho các dự án trong nước và 34.800 tỷ đồng cho các dự án sử dụng vốn nước ngoài theo các hiệp định đã ký kết), phân bổ cho vốn ngân sách địa phương là 304.106 tỷ đồng.
Với các Bộ, ban ngành, cơ quan trung ương, dự kiến phân bổ ngân sách nhiều nhất dành cho Bộ Giao thông vận tải (50.327 tỷ đồng) |
Với các Bộ, ban ngành, cơ quan trung ương, dự kiến phân bổ ngân sách nhiều nhất dành cho Bộ Giao thông vận tải (50.327 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (12.100 tỷ đồng), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (6.438 tỷ đồng) và Bộ Công an (6.000 tỷ).
Với các địa phương, dự kiến phân bổ ngân sách nhiều nhất dành cho TP.HCM (54.268 tỷ đồng) và Hà Nội (51.583 tỷ đồng).
Về định hướng phân bổ vốn đầu tư công trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết phân theo ngành, lĩnh vực, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đường cao tốc, cảng biển, hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu quan trọng, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án liên vùng. Phân theo cơ cấu nguồn vốn NSNN, chia làm hai mảng vốn trong nước và vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Về vốn trong nước tập trung hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025, dự án liên kết vùng, liên kết các địa phương. Song song đẩy mạnh khởi công mới một số dự án liên vùng, dự án y tế, giáo dục đào tạo, các công trình, dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở đô thị và nông thôn, đầu tư phát triển các vùng trọng điểm, chiến lược, tích cực tăng trưởng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển các vùng kinh tế và một số địa phương...
Về vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, cần gắn việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài với việc cơ cấu lại đầu tư công. Các khoản vay mới cần được xem xét hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chỉ tiêu nợ công, ngân sách đã được Quốc hội thông qua. Vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Ngoài ra, cần tập trung cho các dự án chuyển tiếp, giảm tối đa thời gian bố trí vốn, gia hạn hiệp định vay.
Trong trung hạn, giai đoạn 2021-2025, Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó phân bổ cho ngân sách trung ương 1.500 tỷ đồng và ngân sách địa phương 1.370 nghìn tỷ đồng. Sau khi trừ dự phòng chung, các khoản vốn nước ngoài chưa phân bổ và kế hoạch đầu tư công năm 2021, ước tính bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2022-2025, NSNN bố trí khoảng 503.850 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 259.430 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 244.420 tỷ đồng.