Vốn rót vào startup công nghệ Việt Nam giảm hơn 80%

KHỞI NGHIỆP Việt nAM
17:18 - 19/07/2023
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia của Tracxn nhận định, các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam giai đoạn nửa đầu năm 2023 đang trải qua thời kỳ "mùa đông gọi vốn".

Báo cáo của nền tảng theo dõi dữ liệu Tracxn công bố ngày 18/7 cho biết, tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 82% so với cùng kỳ năm trước, từ 372 triệu USD xuống còn 66 triệu USD.

Nếu so với thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư cho các startup công nghệ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng giảm 41%, từ 113 triệu USD xuống còn 66 triệu USD.

Với những kết quả trên cho thấy, giới chuyên gia cho rằng, các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn "mùa đông gọi vốn".

Theo Tracxn, phần lớn nguyên nhân dẫn đến điều này là do nền kinh tế toàn cầu đầy biến động, sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch Covid-19, cùng với tỷ lệ lạm phát tăng dẫn đến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc rót vốn.

Những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đã nổi lên, thu hút tổng vốn đầu tư nhiều thứ 3 tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, xu hướng này đã thay đổi trong thời gian gần đây, đặt ra nhiều thách thức cho các stratup công nghệ trong nước.

Nguồn vốn cho các startup gọi vốn trong vòng hạt giống (seed round) có mức sụt giảm lớn nhất. Các startup công nghệ Việt Nam chỉ huy động được 7,3 triệu USD tại vòng gọi vốn hạt giống trong 6 tháng đầu năm, giảm 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nửa đầu năm 2023, hầu hết các thương vụ gọi vốn thành công trong lĩnh vực công nghệ của các startup Việt Nam đều diễn ra trong quý 1, chiếm gần 90% tổng số vốn huy động được.

3 tháng đầu năm nay, các startup công nghệ Việt Nam đã huy động thành công 58,6 triệu USD, một sự tương phản rõ rệt so với quý 2 trong năm, thời điểm các startup công nghệ chỉ huy động thành công 8,5 triệu USD.

Các chuyên gia cho biết, bối cảnh gọi vốn trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam nửa đầu năm 2023 bị chi phối bởi một số lĩnh vực như Healthtech (công nghệ y tế), Fintech (công nghệ tài chính) và các ứng dụng doanh nghiệp. Những lĩnh vực này đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vì tiềm năng phát triển và mức độ ứng dụng rộng rãi của công nghệ.

Trong lĩnh vực Healthtech, số vốn huy động thành công trong 6 tháng đầu năm nay đạt 53,5 triệu USD, tăng 118% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ tính riêng BuyMed, một startup hoạt động thương mại điện tử trong lĩnh vực dược phẩm của Việt Nam, đã huy động thành công hơn 51 triệu USD hồi tháng 5, chiếm gần 80% lượng vốn huy động toàn thị trường.

BuyMed mới đây hoàn thành vòng gọi vốn Series B trị giá 51,5 triệu USD, được dẫn dắt bởi UOB Venture Management, công ty con với 100% vốn của ngân hàng UOB của Singapore.

BuyMed mới đây hoàn thành vòng gọi vốn Series B trị giá 51,5 triệu USD, được dẫn dắt bởi UOB Venture Management, công ty con với 100% vốn của ngân hàng UOB của Singapore.

Trong khi đó, số vốn mà các startup lĩnh vực Fintech và các ứng dụng doanh nghiệp huy động thành công lần lượt là 6,2 triệu USD và 5,1 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023.

Đáng chú ý, nửa đầu năm 2023 không chứng kiến sự xuất hiện của bất kỳ kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) cũng như không có đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Lần cuối cùng một kỳ lân xuất hiện tại Việt Nam là vào nửa đầu năm 2022.

6 tháng đầu năm 2023, có tổng cộng 4 thương vụ mua lại được diễn ra trên thị trường startup công nghệ Việt Nam, giảm 20% so với nửa đầu năm ngoái.

Bất chấp xu hướng giảm, Tracxn nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng đáng kể nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Thời gian qua, Chính phủ đã thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Amazon, Meta để cung cấp các khoá đào tạo và hỗ trợ cho các doanh nhân trẻ.

Cùng với đó là cam kết của Chính phủ trong việc thiết lập một nền kinh tế không dùng tiền mặt sẽ góp phần vào sự phát triển của hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam.

Về mặt vị trí địa lý, Tracxn cho biết phần lớn nguồn vốn huy động thành công trong 6 tháng đầu năm đến từ các startup công nghệ có trụ sở tại Hà Nội và TP HCM, cho thấy sự nổi bật của hai thành phố này trong việc thu hút vốn đầu tư khởi nghiệp.

"Mặc dù đang phải đối mặt với mùa đông gọi vốn, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam vẫn sẵn sàng cho sự phát triển trong tương lai", báo cáo nêu rõ.

Để kích thích hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ, báo cáo của Tracxn chỉ ra rằng, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện một số sáng kiến nhằm thúc đẩy thị trường. Các sáng kiến bao gồm việc thiết lập các chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cung cấp vốn và tạo ra một cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Ngoài ra, các chuyên gia của Tracxn cho biết, các cơ quan chức năng tại Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ các doanh nhân nữ và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.