Nguồn vốn ban đầu giúp startup vượt qua 'thung lũng chết'

hệ sinh thái Việt nAM
15:41 - 08/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó nguồn vốn là vấn đề nan giải nhất. Theo Cục trưởng NATEC Phạm Hồng Quất, nguồn vốn ban đầu từ các nhà đầu tư thiên thần sẽ giúp các startup có thể vượt qua "thung lũng chết''.

Sáng 8/9, tại Hà Nội, Lễ khởi động Dự án Báo cáo hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022 diễn ra do nền tảng kết nối khởi nghiệp BumbuUP thực hiện, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) và Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Hương Quỳnh – CEO BambuUP cho biết, dự kiến cuối tháng 11 năm nay Báo cáo 2022 sẽ hoàn thiện và giới thiệu chính thức đến với các doanh nghiệp. Tại báo cáo này, có 5 lĩnh vực tập trung chủ yếu bao gồm sản xuất thông minh, fintech & insurtech, agtech & foodtech, martech & saletech và Blockchain.

So với năm 2021, báo cáo năm 2022 có nhiều điểm mới hơn, trong đó nội dung đã bắt đầu đi sâu hơn vào vấn đề đổi mới sáng tạo, chứ không chỉ dừng lại mức độ kinh nghiệm như năm trước.

CEO BamuUP Nguyễn Hương Quỳnh phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hữu Phúc

CEO BamuUP Nguyễn Hương Quỳnh phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hữu Phúc

Trước đó, Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021 với 4 lĩnh vực trụ cột (kinh doanh, con người, xã hội và công nghệ) đã thu hút hơn 800 doanh nghiệp khởi nghiệp ghi danh và hơn 2.000 lượt đăng ký đón đọc. Đánh giá về báo cáo năm 2021, bà Quỳnh cho rằng, trong khi các startup “hồ hởi” tham gia thì lại vắng bóng của các tập đoàn lớn – vốn là doanh nghiệp đóng vai trò duy trì tính bền vững của hệ sinh thái mở.

Mặt khác, báo cáo năm 2021 dù đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn cần phải hoàn thiện hơn. Chính vì vậy, đối với báo cáo năm 2022, phía BambuUP đang kêu gọi sự đóng góp, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam để bạn bè quốc tế được biết đến.

Lễ khởi động dự án Báo cáo hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Lễ khởi động dự án Báo cáo hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Chia sẻ rõ hơn với Mekong ASEAN, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) Phạm Hồng Quất cho biết, báo cáo này có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển hệ sinh thái mở tại Việt Nam.

Theo ông Quất, thông qua báo cáo sẽ phản ánh những nhu cầu, kỳ vọng của các cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đến với các nhà đầu tư, các cơ quan Nhà nước. Các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ cũng có thể nhận biết rõ những cơ chế, chính sách cần thiết, phù hợp với thị trường, từ đó đưa ra những chiến lược phù hợp để phát triển.

“Năm 2021 báo cáo tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ, chuyên gia cố vấn. Năm nay lại khác, chúng tôi tập trung hơn vào chủ thể trong hệ sinh thái, chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều chủ thể được phản ánh hơn trong báo cáo”, ông Quất nói thêm.

Cục trưởng NATEC cũng cho biết, báo cáo này đặc biệt chú trọng đến câu chuyện của doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyên gia hỗ trợ, để thông qua đó truyền cảm hứng, thu hút đầu tư, kêu gọi vốn cho các doanh nghiệp.

Trước năm 2018, nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam trung bình mỗi năm chỉ đạt 50 – 100 triệu USD. Bước đến năm 2018, con số này đã lên mức 400 triệu USD, năm 2019 khoảng 800 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, con số đầu tư chỉ còn khoảng 450 triệu USD.

Sang năm 2021, nguồn vốn đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD, nhưng theo ông Quất, việc tiếp cận nguồn vốn ngay từ ban đầu của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khiến doanh nghiệp không "đủ sức sống" ngay từ giai đoạn đầu.

Về phía doanh nghiệp, bên cạnh vấn đề nguồn vốn, ông Quất cho rằng cần nỗ lực hơn nữa trong vấn đề nắm bắt thông tin thị trường. Bởi trước đó đã có nhiều doanh nghiệp đi trước, từ kinh nghiệm của họ để lựa chọn, hướng đi mô hình phù hợp với nhu cầu quốc gia và quốc tế.

Ngoài doanh nghiệp, địa phương cũng trở thành đối tượng hưởng lợi từ báo cáo này. Theo ông Quất, báo cáo sẽ đưa những nhu cầu từ phía nhà đầu tư đối với các địa phương, những thế mạnh mà địa phương có thể phát huy. Từ đó phía địa phương có thể điều chỉnh cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ đúng với nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường.

Dưới góc độ cơ quan Nhà nước, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án triển khai hỗ trợ, trong đó nổi bật nhất là Đề án 844 được giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.

Theo đó, ông Quất cho biết, Bộ Khoa học & Công nghệ đang triển khai hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, tập trung hỗ trợ năng lực cho những đối tượng đóng vai trò tư vấn cho doanh nghiệp. Bộ cũng tổ chức nhiều khoá đào tạo cho giảng viên, huấn luyện viên cố vấn cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, cùng các chương trình truyền thông để nâng cao xây dựng văn hoá, hỗ trợ xây dựng khởi nghiệp, văn hoá đầu tư.

Đọc tiếp