WB dự báo Đông Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng chậm lại 0,4 điểm phần trăm

KINH TẾ Đông Á
16:27 - 07/04/2022
WB dự báo Đông Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng chậm lại 0,4 điểm phần trăm
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế tổng thể của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ chậm lại 5% vào năm 2022, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự kiến ​​đưa ra vào tháng 10.

Ngày 7/4, WB đã tổ chức buổi công bố báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương tháng 4, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, đại diện Ngân hàng Thế giới ở các nước trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (EAP).

Các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các chính sách thắt chặt kinh tế của Mỹ, sự trỗi dậy của đại dịch trong bối cảnh các chính sách zero-COVID ở Trung Quốc và tình hình chiến sự giữa Nga – Ukraine đều gây ảnh hưởng tiêu cực nặng nề tới nền kinh tế của các nước trong khu vực EAP.

Đặc biệt, những hệ lụy phát sinh từ chiến tranh Nga- Ukraine và các lệnh trừng phạt của các nước châu Âu và Mỹ đối với Nga đã gây gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gia tăng căng thẳng tài chính và làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Điều này gây ảnh hưởng xấu về nhiều mặt tới khu vực, trong đó, làm sụt giảm thu nhập thực tế của các nước Thái Lan và Mông Cổ - là các quốc gia nhập khẩu nhiều nguyên liệu, và các quốc đảo Thái Bình Dương - nơi nhập khẩu phần lớn lương thực.

Còn các nước có nợ lớn như Lào, Mông Cổ hay các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Malaysia, Việt Nam sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc tài chính và tăng trưởng toàn cầu.

Theo bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, dưới ảnh hưởng nặng nề của chiến sự Nga – Ukraine, các nước cần luật lệ và chính sách hợp lý để giúp quốc gia vượt qua những khó khăn này.

Hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã có sự hồi phục kinh tế trong quý IV/2021, sau ảnh hưởng của làn sóng biến chủng Covid Delta vào quý III với mức tăng trưởng bình quân 7,2% năm 2021. Sang năm 2022, mức tăng trưởng dự báo khoảng 5%. Tuy nhiên mức độ phục hồi diễn ra không đồng đều trong khu vực.

Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam đã vượt mức sản lượng trước đại dịch. Các quốc gia Campuchia, Malaysia, Mông Cổ, Philippine và Thái Lan được kỳ vọng sẽ đạt được điều này trong năm 2022. Trong khi đó, sản lượng tại một số quốc đảo Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nhất và khó có thể quay lại mức trước đại dịch kể cả vào năm 2023.

Dự báo tăng trưởng các nước trong khu vực EAP. Ảnh: World Bank

Dự báo tăng trưởng các nước trong khu vực EAP. Ảnh: World Bank

Các tác động tiêu cực của tình hình thế giới đã làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nước trong khu vực. Theo đó, tăng trưởng kinh tế tổng thể dự kiến ​​sẽ chậm lại 5% vào năm 2022, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự kiến ​​vào tháng 10. Mức tăng trưởng này có thể chậm lại còn 4%, nếu điều kiện toàn cầu xấu đi và các quốc gia phản ứng yếu đối với các chính sách phục hồi kinh tế.

Hiện nhiều công ty trong khu vực đang gặp khó khăn, nhiều hộ gia đình đã rơi vào cảnh nghèo đói trong đại dịch và khi giá cả hàng hóa tăng cao, thu nhập thực tế của họ sẽ còn giảm hơn nữa. Giá dầu tăng, thu hẹp dư địa nới lỏng tiền tệ đã khiến lạm phát cao hơn ít nhất 1 điểm phần trăm so với kỳ vọng trước đó.

Trước tình hình này, chuyên gia kinh tế trưởng Aaditya Mattoo tại Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, các quốc gia cần có những chính sách tài khóa, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội.

Với trường hợp Việt Nam, bà Carolyn Tunk, giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng cần phải phát triển hệ thống an sinh xã hội tốt hơn nữa, nhằm bắt kịp nền kinh tế hiện nay, giúp người dân cũng như các hộ gia đình có “sức chống chịu” tốt hơn trước những tác động tiêu cực của nền kinh tế. Ngoài ra, với các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, cần xác định rõ, chính xác đối tượng yếu thế cần hỗ trợ, tránh hỗ trợ dàn trải, không tiếp cận được đối tượng thực sự cần.

Báo cáo đề xuất 4 loại hành động chính sách. Thay vì kiểm soát giá cả và hỗ trợ không chọn lọc, việc hỗ trợ có mục tiêu sẽ hạn chế gánh nặng từ các cú sốc và tạo không gian cho đầu tư nâng cao tăng trưởng. Các tổ chức tài chính đo lường mức độ căng thẳng của thị trường sẽ giúp xác định những nguy cơ mà cấm vận đem lại.

Ngoài ra, các chính sách về thương mại hàng hóa và du lịch sẽ cho phép các quốc gia tận dụng những chuyển dịch trong bối cảnh thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, việc nâng cao kỹ năng, tăng cường cạnh tranh của nền kinh tế sẽ giúp tăng cường năng lực, tạo động cơ áp dụng các công nghệ kỹ thuật số mới.

Tin liên quan

Đọc tiếp