World Bank: Chìa khóa cho tăng trưởng bền vững là chất lượng nguồn nhân lực

TĂNG TRƯỞNG Việt nAM
22:09 - 08/08/2022
World Bank: Chìa khóa cho tăng trưởng bền vững là chất lượng nguồn nhân lực
0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp những cú sốc và tình trạng bất định từ thị trường thế giới, World Bank cho rằng kinh tế Việt Nam đang phục hồi và có thể tăng trưởng 7,5% năm 2022, song để tăng trưởng bền vững, việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực là thách thức lớn.

Theo Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8/2022 với tựa đề "Giáo dục để tăng trưởng" do Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố ngày 8/8, mặc dù môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức, nhưng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi theo dự báo cơ sở. Do tác động xuất phát điểm thấp, GDP dự kiến tăng trưởng khoảng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023 – thời điểm mà tốc độ tăng trưởng quay về như trước đại dịch ở mức 6,5-7%.

Kinh tế trong nước sẽ phục hồi mạnh mẽ

Báo cáo nhận định, bất chấp những cú sốc và tình trạng bất định gia tăng gần đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên lộ trình phục hồi. Sau đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt và GDP sụt giảm mạnh vào quý III/2021, nền kinh tế bắt đầu phục hồi trở lại từ mùa thu năm 2021 nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao tạo điều kiện cho quốc gia mở cửa lại. Đến cuối tháng 12/2021, khoảng 80% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ, các biện pháp hạn chế đi lại dần được gỡ bỏ. Nhờ vậy, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, tăng trưởng với tốc độ 5,2% trong quý IV/2021, 5,1% trong quý I/2022 và 7,7% trong quý II/2022.

Trong khi đó, lạm phát bình quân dự kiến rơi vào khoảng 3,8% trong năm 2022, với xu hướng tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022. "Cú sốc giá nhiên liệu dự kiến sẽ tiêu tan vào năm 2023 nhưng hiệu ứng lan tỏa vòng 2 tiếp tục diễn ra và tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% theo dự báo cho năm sẽ khiến cho CPI tăng đến 4% trong năm 2023 trước khi giảm về 3,3% trong năm 2024", bản báo cáo nêu rõ.

Cũng theo các chuyên gia World Bank, khu vực dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo, chế biến dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi.

Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến sẽ bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chững lại, tương tự như xu hướng tăng trưởng giai đoạn 2016-2019. Ngoài ra, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 tiếp tục được hưởng lợi nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và nhờ vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023.

Buổi công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8/2022 với tựa đề "Giáo dục để tăng trưởng" - Ảnh: World Bank Việt Nam.
Buổi công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8/2022 với tựa đề "Giáo dục để tăng trưởng" - Ảnh: World Bank Việt Nam.

Nhưng chìa khóa cho tăng trưởng bền vững là chất lượng nguồn nhân lực

Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro như lạm phát gia tăng, nguồn cung chuỗi giá trị toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn.

Đặc biệt, tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề và kỹ năng quản lý đang cản trợ sự phục hồi của các doanh nghiệp.

Cụ thể, theo bà Carolyn Turk, có khoảng hơn 70% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát cho biết, họ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng lãnh đạo và quản lý; 68% doanh nghiệp cho biết, khó tuyển dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật theo việc làm cụ thể. Nguyên nhân một phần là bởi các chính sách, chi phí đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam chưa cao, ngoài ra nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao. Việt Nam mong muốn phát triển nhanh qua sử dụng tri thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và số hóa làm động lực để nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh tế. Để hoàn thành khát vọng đó, Việt Nam cần nâng cao năng suất và củng cố nguồn nhân lực, qua đó đặt ra yêu cầu phải có số lượng đông đảo người lao động có kỹ năng và trình độ cao, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Ảnh tác giả

“Để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2%-3% mỗi năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn.”

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Đồng quan điểm, chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, cần nhận thấy những vấn đề của kinh tế Việt Nam nguồn gốc sâu xa từ những tồn tại, yếu kém của nguồn nhân lực.

Theo GS. TS Phạm Hồng Chương, những yếu kém về kỹ năng quản lý, khả năng lãnh đạo cũng như kỹ năng nghề nghiệp nếu không được giải quyết sẽ khiến Việt Nam khó có thể tiến xa trong chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp lớn trên thế giới mà chúng ta chỉ đang dừng lại ở công đoạn thâm dụng lao động với kỹ năng giản đơn.

Lợi thế lao động rẻ sẽ không tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế, GS. TS Chương nói.

Thậm chí, năng lực hạn chế khiến các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu mà nhường gần như toàn bộ đất diễn này cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Những điểm nghẽn này xuất phát chủ yếu từ sự yếu kém của cấp giáo dục đại học như báo cáo Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra, GS.TS Phạm Hồng Chương nhìn nhận.

Theo cách nhìn của ông Michael Drabble, chuyên gia giáo dục cấp cao của World Bank, hệ thống giáo dục sau đại học của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường lao động.

"Việt Nam đang xếp thứ 138/140 trong danh sách chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học, từ đánh giá của các doanh nghiệp sử dụng lao động", ông nói, trong khi đó: "Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục sau phổ thông chỉ khoảng 0,6% GDP vào năm 2019, thấp hơn so với Malaysia hay Hàn Quốc. Việc thiếu vốn chi tiêu của Nhà nước đang ảnh hưởng tương đối tiêu cực đến chất lượng đào tạo".

Cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục đào tạo

Do đó, về các giải pháp ngắn hạn, theo World Bank, để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi vững chắc hơn, Việt Nam cần có quan điểm chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ hơn là phòng ngừa rủi ro. Vì Việt Nam vẫn còn không gian tài khóa, nhưng ách tắc trong triển khai. Theo đó, các chương trình hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tới đây cần thực hiện tích cực hơn và tập trung vào tăng trưởng xanh hay số hóa.

Về giải pháp mang tính lâu dài, để Việt Nam “chuyển mình” và trở thành nền kinh tế tri thức và đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục dạy nghề. Để làm được điều này, bên cạnh tăng đầu tư cho giáo dục cần đẩy mạnh liên kết giữa các trường đại học, cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, nhằm đào tạo lao động đúng nhu cầu thị trường.

Trong đó, World Bank nhấn mạnh 4 nội dung chuyển đổi quan trọng, qua đó đổi mới có thể đem lại kết quả đáng kể trong lĩnh vực giáo dục đại học, gồm: cải thiện khả năng tiếp cận và công bằng; nâng cao tính phù hợp, hài hòa các chương trình đào tạo với nhu cầu kỹ năng; tăng cường đảm bảo tài chính bền vững; và cải thiện về quản trị trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Đọc tiếp