Xuất khẩu cá ngừ đạt đỉnh trong quý đầu năm

THỦY SẢN Việt nAM
09:58 - 02/05/2022
Xuất khẩu cá ngừ đạt đỉnh trong quý đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong đó xuất khẩu cá ngừ cũng đạt đỉnh ở mức 259 triệu USD, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2022

Trong quý đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ. Xuất khẩu thủy sản quý đầu năm nay đạt mức cao nhất so với kết quả quý I trong 5 năm trở lại đây.

Năm thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2022 bao gồm Mỹ đạt 575 triệu USD; Nhật Bản đạt 348 triệu USD; Trung Quốc đạt 362 triệu USD; Hàn Quốc đạt 204 triệu USD; Canada đạt 95 triệu USD.

Xuất khẩu thủy sản khai thác trong quý I/2022

Trong tháng 3/2022, tổng xuất khẩu các sản phẩm khai thác của Việt Nam đạt trên 355 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Ba tháng đầu năm 2022, xuất khẩu các sản phẩm này đạt trên 920 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu cá ngừ đạt 259 triệu USD, tăng 72%; mực, bạch tuộc đạt 156 triệu USD; cua ghẹ và giáp xác khác đạt 52 triệu USD; các loại cá khác đạt đạt 421 triệu USD…

Trong quý I/2022, có 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, bao gồm Khánh Hòa đạt 170 triệu USD, TP HCM đạt 170 triệu USD, Bà Rịa Vũng Tàu đạt 84 triệu USD, Kiên Giang đạt 72 triệu USD, Long An đạt 69 triệu USD.

Hiện, xuất khẩu hải sản chiếm 36% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Bước sang tháng 4, sản lượng thủy sản khai thác, sản lượng khai thác các loại thủy sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí xăng, dầu tăng cao; thời tiết tháng 4 bất lợi đối với đánh bắt xa bờ, các tỉnh Duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng bởi các đợt mưa lũ bất thường.

Xuất khẩu tôm đạt gần 1 tỷ USD trong quý đầu năm

Trong quý I/2022, xuất khẩu tôm đạt gần 955 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng tôm sú trong tháng 3/2022 đạt 17.100 tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước; tôm thẻ chân trắng đạt 35.200 tấn, tăng 23,1%. Ước tính trong quý I/2022, sản lượng tôm sú đạt 47.000 tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; tôm thẻ chân trắng đạt 89.100 tấn, tăng 12,9%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn chung xuất khẩu tôm sang các thị trường đều tăng trưởng 2 con số. Trong đó, xuất khẩu sang Australia đạt 70 triệu USD, Hàn Quốc đạt 104 triệu USD, Trung Quốc & Hong Kong đạt 106 triệu USD, Nhật Bản đạt 149 triệu USD và Mỹ đạt 195 triệu USD.

Tôm xuất khẩu sang Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng chi phối 34% và tăng 45% giá trị. Giá trung bình tôm xuất khẩu sang thị trường này trong quý I đạt 12 USD/kg, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu tôm Việt sang Trung Quốc – Hong Kong trong ba tháng đầu năm cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Mặt hàng tôm chiếm 29% thị phần xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước.

Giá tôm trung bình xuất khẩu sang Trung Quốc quý I năm nay đạt 8,64 USD/kg, tăng 36% so với quý I/2021.

Theo VASEP dự báo, nhu cầu nhập khẩu tôm từ thị trường này trong năm nay sẽ ổn định hơn khi Trung Quốc chủ trương tăng lượng thủy sản nhập khẩu lên mức 66 triệu tấn để giảm bớt nhu cầu về thịt lợn.

Về thị trường Nhật Bản, trong quý đầu năm đã có 67 doanh nghiệp tôm Việt xuất tôm sang thị trường này. Các sản phẩm chính bao gồm tôm đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm tẩm bột xù… Xuất khẩu tôm Việt sang EU đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tôm chân trắng tăng 59%, tôm sú tăng 107%.

Giá cá tra tăng mạnh ngay từ đầu năm

Trong quý đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 653 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021. Sự tăng trưởng này xuất phát từ việc thiếu nguyên liệu trong thời gian qua đã đẩy giá cá tra lên mức cao. Theo Tổng cục Thống kê, giá cá tra nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh sau hơn hai năm liên tiếp ở mức thấp.

Sản lượng khai thác cá trong tháng ước đạt 140.700 tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong quý I, sản lượng cá tra đạt 342.600 tấn, tăng 6,5%.

Trong quý I/2022, giá trung bình xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh, gần 70% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4,62 USD/kg. Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc – Hong Kong, cá tra chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, tăng gấp hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình xuất khẩu sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đạt 2,5 USD/kg, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cá ngừ đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2018 – 2022

Xuất khẩu cá ngừ trong quý I/2022 đạt 259 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu này ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong quý đầu năm ở mức cao nhất trong vòng 5 trở lại đây.

Các nước xuất khẩu chính là Mỹ đạt 137 triệu USD; Canada đạt 14 triệu USD; Arab Saudi đạt 10 triệu USD; Israel và Đức cùng đạt 7 triệu USD.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Giá cá ngừ xuất sang thị trường này đã tăng trưởng mạnh 3 con số, đạt giá trung bình 10,2 USD/kg, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện, cá ngừ là thủy sản chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 xuất sang Mỹ của Việt Nam.

Đối với khối EU, theo VASEP giá cước vận chuyển leo thang vẫn đang phần nào ảnh hưởng tới xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này khi phần lớn các lô hàng được xuất khẩu theo giá CFR. Trong tháng 3/2022, xuất khẩu sang khối tăng 10%, đạt 14 triệu USD. Con số này góp phần nâng tổng giá trị xuất khẩu sang khối thị trường trong quý I đầu năm lên gần 38 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021.

Trái với EU, xuất khẩu cá ngừ sang các nước khối CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) lại có xu hướng tăng tốc. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường CPTPP trong tháng 3/2022 tăng 49%, đạt gần 14 triệu USD.

Luỹ kế 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt 30,4 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Canada đạt 14 triệu USD, tăng 70%; sang Mexico đạt 4,3 triệu USD, tăng 79%; sang Chile đạt 2,4 triệu USD, tăng 71%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn tiếp tục sụt giảm 20% so với cùng kỳ, đạt 6 triệu USD.

Theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới. Tuy nhiên, xuất khẩu đang phải đối mặt với thiếu nguyên liệu, giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao, cước vận chuyển đường biển tăng… Do đó, dù tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng các doanh nghiệp vẫn còn ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nên sự phục hồi này mới chỉ ở bước đầu.

Trong quý I/2022, các doanh nghiệp thủy sản liên tiếp ghi nhận kỷ lục doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế. Trong đó, nổi bật là Sao Ta đạt đỉnh doanh thu thuần quý I trong 5 năm, đạt mức 1.327 tỷ đồng. Navico đạt đỉnh kép cả lợi nhuận sau thuế và doanh thu thuần của quý I trong 10 năm qua, lần lượt là 238 tỷ đồng và 1.219 tỷ đồng.

Trong khi đó, Vĩnh Hoàn cũng ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc, đạt 3.267 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Giá thực phẩm thế giới giảm tháng thứ 7 liên tiếp

Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực thực phẩm thế giới tiếp tục giảm trong tháng 2/2024, tháng thứ bảy liên tiếp duy trì xu thế đi xuống. Trong đó, tất cả các loại ngũ cốc thiết yếu đều giảm, bất chấp giá đường và thịt tăng.
Xuất khẩu chè tháng 1/2024 tăng trưởng mạnh

Xuất khẩu chè tháng 1/2024 tăng trưởng mạnh

Tháng 1/2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 12.398 tấn, trị giá hơn 21 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và 10% về trị giá so với tháng trước nhưng tăng khoảng 85% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ 2023, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tín hiệu hồi phục của ngành F&B tại Việt Nam

Tín hiệu hồi phục của ngành F&B tại Việt Nam

Ngành kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) Việt Nam đã trải qua năm 2023 vô cùng khó khăn, được giới chuyên gia nhận định là “kỳ kiểm tra” tiếp theo sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuối năm các tín hiệu tích cực đã xuất hiện báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ.