10 tháng, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 500.000 khách hàng

TÍN DỤNG CƠ CẤU NỢ
07:00 - 15/11/2021
10 tháng, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 500.000 khách hàng
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố những kết quả liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 500.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 260.000 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 đến nay đạt khoảng 550.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng.

Đồng thời, cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng.

Tại Ngân hàng Chính sách xã hội, cơ quan này đã thực hiện gia hạn nợ cho 258.947 khách hàng với dư nợ 6.063 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.505.557 ​khách hàng với số tiền 129.758 tỷ đồng.

Đối với việc thực hiện tái cấp vốn dành cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh đối với người lao động theo các Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 08/11/2021, Ngân hàng Nhà nước đã tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 749,52 tỷ đồng để cho vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố với số tiền 750 tỷ đồng đối với 1.449 đơn vị sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 209.280 lượt người lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chính sách tiền tệ tại Việt Nam có hai nhiệm vụ rất quan trọng: (i) góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thực hiện tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát; (ii) với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hệ thống các tổ chức tín dụng phải hoạt động làm sao đảm bảo an toàn, sẵn sàng khả năng chi trả cho người dân.

“Chính vì vậy, việc xem xét các giải pháp chính sách công cụ trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước luôn luôn phải đảm bảo mục tiêu đạt được hai nhiệm vụ trên, đồng thời phải đảm bảo các cân đối lớn của vĩ mô như nợ công, bội chi ngân sách…”, Thống đốc nhấn mạnh.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy, trong năm 2021 khả năng chỉ tiêu đạt được lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đặt ra là có thể đạt được, vì lạm phát đến cuối tháng 10/2021 mới chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước.

Do đó, để vừa tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, điều hành tín dụng.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thứ hai, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng trong triển khai Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thứ ba, sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng quyết liệt thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh Covid-19

Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại - chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/9/2021 là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết. Trong đó, có ngân hàng giảm lãi gần 5.000 tỷ đồng nhưng cũng có ngân hàng chỉ giảm vẻn vẹn 12 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp