ACB kinh doanh thế nào sau nửa đầu năm?

NGÂN HÀNG Việt nAM
08:35 - 30/07/2023
ACB kinh doanh thế nào sau nửa đầu năm?
0:00 / 0:00
0:00
Kết thúc quý 2/2023, ngân hàng ACB đã hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm, đạt 10.000 tỷ đồng. Trong đó, động lực giúp lợi nhuận của ACB tăng trưởng đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 28% so với cùng kỳ 2022.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã: ACB) ghi nhận, nguồn thu chính của ngân hàng là lãi thuần tăng 11% so với cùng kỳ quý 2/2022, tương đương 6.554 tỷ đồng.

Trong đó, lãi từ dịch vụ là nguồn thu ngoài lãi duy nhất sụt giảm còn 804 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Các khoản lãi khác đều ghi nhận tăng trưởng như lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 125%, đạt 327 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh thu được khoản lãi gần 71 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lỗ 226 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu được khoản lãi 406 tỷ đồng so với con số vỏn vẹn 18 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tính riêng trong quý 2, ngân hàng này chi 706 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập 267 tỷ đồng, do đó ACB lãi trước thuế quý 2 hơn 4.832 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi thuần tại ACB tăng 13% so với cùng kỳ, thu được gần 12.461 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 71%, lên mức 765 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh thu được khoản lãi gần 115 tỷ đồng và mua bán chứng khoán đầu tư thu được khoản lãi gần 407 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, ACB dành ra 961 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ được hoàn nhập, do đó ngân hàng này báo lãi trước thuế gần 9.990 tỷ đồng sau 6 tháng, tăng 11%. So với 20.058 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm, ACB đã thực hiện được 50% sau 2 quý đầu năm.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản tại ngân hàng này tăng 4% so với đầu năm lên mức 630.893 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng 8% (88.982 tỷ đồng), cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm 77% (còn 830 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 5% (434.031 tỷ đồng).

Tiền gửi khách hàng tăng 4% so với đầu năm, lên mức 432.410 tỷ đồng. Tiền vay các tổ chức tín dụng khác giảm 56% còn 3.425 tỷ đồng.

Tỷ lệ CASA tuy còn thấp so với mức đầu năm nhưng đã có dấu hiệu tăng trở lại sau đợt giảm liên tục từ quý 2/2022 với mức tăng lên 20,9% so với 19,8% hồi cuối quý 1.

Tỷ lệ LDR đạt mức 79%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 19%. Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ ở mức 12,4%.

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tính đến 30/6/2023 của ACB là 441 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, chưa tính đến 3.596 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty TNHH chứng khoán ACB. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 2,12% đầu năm lên 2,3%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.