Bàn giao toàn bộ mặt bằng cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong quý 3

CAO TỐC Việt nAM
15:37 - 19/08/2023
Bàn giao toàn bộ mặt bằng cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong quý 3
0:00 / 0:00
0:00
Dù diện tích mặt bằng còn lại của dự án chỉ còn khoảng 10% nhưng đây là các khu vực khó khăn nhất do liên quan đến đất ở, đất trồng lúa, đất rừng và hạ tầng kỹ thuật, đường điện cao thế.

Văn phòng Chính phủ có văn bản số 334/TB-VPCP ngày 18/8, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi kiểm điểm và làm việc về tình hình thực hiện các dự án thành phần qua các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Văn bản nêu, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn đi qua các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gồm 5 dự án thành phần với tổng chiều dài 351,2 km.

Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng đạt 310/351,2km đạt 89% còn 10% chưa bàn giao nhưng đây là các khu vực khó khăn nhất do liên quan đến đất ở (có thể phải tái định cư), đất trồng lúa, đất rừng và hạ tầng kỹ thuật, trong đó có nhiều đường điện cao thế.

Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các Bộ, ngành và các địa phương tập trung cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 3/2023.

Về chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa hai vụ trở lên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao UBND các tỉnh phối hợp với các Ban Quản lý dự án để rà soát, tổng hợp phần diện tích đất rừng, đất trồng lúa gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định đối với nội dung điều chỉnh chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa của dự án.

Hướng dẫn thủ tục đóng tiền vào quỹ đối với các địa phương không còn đất để chuyển đổi rừng nhằm đáp ứng tiến độ theo kế hoạch, hoàn thành trong tháng 8/2023.

Về di dời hạ tầng kỹ thuật, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện; lưu ý các hạng mục di dời đường điện cao thế.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xử lý khó khăn trong di dời đường điện; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải làm việc với các địa phương di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, mạng viễn thông...), báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8/2023.

Về vật liệu xây dựng thông thường, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có mỏ vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ dự án khẩn trương làm thủ tục để đưa mỏ vào khai thác; tháo gỡ các vướng mắc về đường tiếp cận các mỏ vật liệu.

Các địa phương thực hiện các đề nghị của Bộ GTVT tại văn bản số 8748/BGTVT-CQLXD ngày 10/8/2023 liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn thủ tục để tạm trữ khối lượng vật liệu đất dư thừa, các địa phương chủ động rà soát, bố trí mặt bằng để tạm trữ và quản lý khối lượng vật liệu đất dư thừa.

Về tiêu chuẩn, định mức xây dựng , Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT sớm ban hành quy chuẩn thiết kế đường cao tốc. Bộ Xây dựng rà soát các định mức còn thiếu hoặc chưa phù hợp để điều chỉnh theo quy định nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.

Về nghiên cứu cát biển làm vật liệu xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng thực hiện các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại các văn bản: số 88/TB-VPCP ngày 22/3/2023, số 2546/VPCP-CN ngày 14/4/2023, số 5800/VPCP-CN ngày 31/7/2023 của Văn phòng Chính phủ về nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh các vùng cát biển, hướng dẫn thăm dò, khai thác.

Về thiết kế, thi công, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu đơn vị tư vấn thiết kế bảo đảm chất lượng trong công tác điều tra, khảo sát xây dựng gắn với nhu cầu vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi), đánh giá tác động môi trường, cảnh quan theo quy hoạch của địa phương để lựa chọn khu vực khai thác vật liệu; thẩm định thiết kế, lựa chọn phương án kỹ thuật phải bảo đảm tính bền vững công trình, phù hợp với địa hình, địa chất, thủy văn khu vực dự án.

Đối với các đơn vị tư vấn giám sát giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật tư, vật liệu và thiết bị sử dụng cho công trình, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án...

Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình, khảo sát hiện trường trước khi thi công, đặc biệt là các khu vực có nghi ngờ bất thường về điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Bố trí các trạm dừng nghỉ hợp lý

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT rà soát, bố trí các trạm dừng nghỉ hợp lý, xây dựng công trình trạm dừng nghỉ tuân thủ quy định pháp luật, công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ các dự án thành phần trên toàn tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Trạm dừng nghỉ phải bảo đảm mỹ quan, tiện nghi, chất lượng tốt phục vụ phương tiện, lái xe, hành khách.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.