Bên chờ mua có động thái dò đáy, VN-Index có thể kiểm lại vùng 1.000 điểm

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
06:29 - 06/11/2022
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index tuy không thể ngược dòng thành công trong phiên cuối tuần, nhưng việc thu hẹp đà giảm đáng kể cũng là tín hiệu tích cực với tâm lý nhà đầu tư. Vì vậy, nhịp hồi phục được dự báo có thể diễn ra trong các phiên tới.

Tuần qua, VN-Index chịu áp lực tương đồng với chứng khoán thế giới sau cuộc họp tăng lãi suất của Fed. Trước những thông tin bất ổn về kinh tế vĩ mô, tâm lý nhà đầu tư dường như vẫn đang khá bi quan, thể hiện qua việc thanh khoản bán chủ động gia tăng mạnh vào những phiên cuối tuần.

Phiên giao dịch cuối tuần đóng lại bằng việc VN-Index giảm 30,21 điểm (-2,9%) xuống 997,15 điểm, HNX-Index giảm 9,17 điểm (-4,3%) xuống 204,56 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 7,3% so với tuần trước đó xuống 52.992 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 4,4% xuống 2.826 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 25,9% so với tuần trước đó xuống 3.683 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 25,2% xuống 280 triệu cổ phiếu.

Xét theo mức độ đóng góp, NVL, HPG, MWG, BCM và EIB là những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index.

Tính riêng NVL đã lấy đi gần 6 điểm của chỉ số này. Trong khi đó, VRE, VNM, VPB và TCB là những mã có tác động tích cực nhất. Tuy nhiên, VRE dẫn đầu cũng chỉ giúp kéo tăng được 1,4 điểm.

Biến động giá cổ phiếu top vốn hoá lớn trong tuần. Nguồn: VCBS

Biến động giá cổ phiếu top vốn hoá lớn trong tuần. Nguồn: VCBS

Xét về nhóm ngành thì nhóm nguyên vật liệu giảm mạnh nhất trong tuần qua với mức giảm 8,5% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu cho việc này đến từ việc nhóm ngành con là thép giảm mạnh với các đại diện như HPG (-12,8%), HSG (-9,4%), NKG (-17,5%)... Bên cạnh đó, ngành con hóa chất cũng giảm rất mạnh với các đại diện tiêu biểu như DGC (-8,3%), DPM (-8,1%), DCM (- 8,9%)...

Tiếp theo là ngành dịch vụ tiêu dùng, giảm 8,5% giá trị vốn hóa, chủ yếu do đà giảm mạnh từ ngành con bán lẻ với các đại diện như MWG (-13,4%), DGW (-11,3%), FRT (-11,3%)...

Nhóm bất động sản với DIG (-12,6%), IDC (-8,4%), KBC (-7,3%), DXG (-6,3%)... Nhóm bảo hiểm với BVH (-4,8%), BMI (-11%), PVI (-2,5%)...

Cùng thanh khoản thị trường sụt giảm, khối ngoại cũng giao dịch kém sôi động hơn và bán ròng gần 530 tỷ đồng, giảm hơn 85% so với tuần trước.

Đáng chú ý, khối này tập trung mua chứng chỉ quỹ FUESSVFL với tổng giá trị đạt 286,39 tỷ đồng và bán ồ ạt HPG với giá trị lên tới hơn 1.130 tỷ đồng.

Nguồn: SHS

Nguồn: SHS

Cần thời gian để tìm điểm cân bằng

Chứng khoán SSI cho biết, trong phiên thứ Sáu, trước lực cung gia tăng trên diện rộng, chỉ số VN-Index biến động mạnh và hình thành vùng thấp nhất trong phiên cuối tuần quanh ngưỡng 975 điểm. Sau đó, chỉ số đã hồi phục vào cuối ngày nhờ động lực đi lên từ một số cổ phiếu ngân hàng được các quỹ ETF mua vào nhiều trong kỳ cơ cấu quý 4/2022.

Chỉ số VN-Index hình thành nến rút chân trên đồ thị ngày, đóng cửa tại 997 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 695 triệu đơn vị, tăng mạnh so với bình quân 20 phiên cho thấy áp lực của bên cung, song song đó là động thái dò đáy của bên chờ mua.

Với quán tính hồi phục hiện tại, SSI cho rằng VN-Index có thể kiểm lại vùng kháng cự quan trọng 1.000 điểm trong tuần tới. Tuy nhiên, chỉ số nhiều khả năng vẫn cần thời gian để tìm điểm cân bằng do cung có thể gia tăng trở lại sau ngày đẩy mạnh mua vào của các quỹ ETF. Vùng hỗ trợ gần là 989 – 968 điểm.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong ba phiên giao dịch 28/10, 1/11 và 2/11, VN-Index đều thất bại khi cố gắng vượt qua ngưỡng kháng cự quanh MA20 ngày. Với việc điều chỉnh trong tuần qua thì hiện chỉ số vẫn đang nằm dưới ngưỡng tâm lý 1.100 điểm, tương ứng với đường xu hướng (trendline) nối các đáy vào tháng 5 và tháng 7 với nhau.

Do đó, SHS cho rằng VN-Index vẫn còn đối diện với rủi ro tiếp tục đà giảm với vùng giá mục tiêu trong trường hợp này là quanh ngưỡng 950 điểm tương ứng với kênh giá đi xuống.

Việc test thành công ngưỡng 962 điểm trong phiên 25/10 rồi bật lên từ đây có thể coi là một tín hiệu sớm cho việc hoàn thành đợt điều chỉnh với mục tiêu quanh 950 điểm kể trên. Tuy nhiên, với sự suy yếu của thị trường trong tuần qua thì chỉ số vẫn đang tạo đỉnh sau (1.045 điểm) thấp hơn đỉnh trước (1.070 điểm).

SHS kỳ vọng, trong ngắn hạn, thị trường có thể tạo đáy sau (hiện là 975 điểm) cao hơn đáy trước đó (962 điểm) trong tuần giao dịch tiếp theo. Điều này sẽ mở ra khả năng kết thúc xu hướng giảm hiện tại để chuyển sang quá trình tích lũy ở vùng giá thấp.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: SHS

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: SHS

Chứng khoán MB (MBS) nhận định, trong phiên cuối tuần, dòng tiền bắt đáy gia tăng khi chỉ số về vùng hấp dẫn đã giúp cho thanh khoản thị trường cải thiện. Nhịp điều chỉnh qua nhanh, thị trường tuy không thể ngược dòng thành công nhưng với việc thu hẹp đà giảm đáng kể cũng là tín hiệu tích cực với tâm lý nhà đầu tư.

Dựa vào diễn biến khả quan của chứng khoán thế giới và dòng tiền tham gia bắt đáy bất chấp khối ngoại gây sức ép lên thị trường, MBS nhận định nhịp hồi có thể diễn ra trong các phiên tới, nhà đầu tư nên chú ý những cổ phiếu đã giảm sâu, đặc biệt là các mã có tín hiệu phục hồi rõ nét trong phiên cuối tuần.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, áp lực giảm điểm của phiên cuối tuần đã xóa đi hết nỗ lực của nhịp phục hồi tuần trước. Về góc nhìn kỹ thuật, tại khung đồ thị tuần, chỉ báo MACD vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy trung hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo ADX và DI- vẫn đang ở mức cao cho thấy nhịp điều chỉnh đang diễn ra nhiều khả năng sẽ chưa thể nhanh chóng kết thúc.

Theo VCBS, nếu VN-Index xuyên thủng vùng đáy được tạo tuần trước thì sẽ có xác suất hướng về vùng điểm 900 tương ứng với ngưỡng 1.0 của thang đo Fibonacci mở rộng. Nhóm phân tích khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục chủ động chốt lời ngắn hạn nhiều hơn và nâng cao tỷ trọng tiền mặt để bảo toàn vốn, kiên nhẫn quan sát chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường và hạn chế việc bắt đáy sớm.

VCBS thông tin thêm, tiếp nối ECB và Fed, ngày 3/11, BOE đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lên 3%. Như vậy chỉ tính riêng trong năm nay, mặt bằng lãi suất đã được các ngân hàng trung ương điều chỉnh tăng hơn 3%.

Đây là mức tăng rất mạnh trong khoảng thời gian ngắn. Điều này hàm ý áp lực đối với tỷ giá và lãi suất trong nước hiện hữu, đồng nghĩa Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ phải cân nhắc tiếp tục nâng lãi suất điều hành đi cùng với việc tăng tỷ giá nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô. Đây không chỉ là xu hướng ghi nhận ở Việt Nam mà còn ở nhiều nền kinh tế mới nổi khác.

Lãi suất tăng nhanh và mạnh đối cả lãi suất cho vay và huy động ở nhiều quốc gia trong thời gian ngắn gây nên áp lực rút vốn ròng trên các thị trường tài sản tại các thị trường mới nổi và kéo theo các rủi ro định giá lại tài sản tiếp diễn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.