Bộ Công Thương ra chỉ thị về tăng cường bảo đảm nguồn cung xăng dầu

Xăng Dầu Việt nAM
09:25 - 31/08/2023
Ảnh minh họa: Quách Sơn.
Ảnh minh họa: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ban hành Chỉ thị 09 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa.

Nhờ tích cực triển khai các giải pháp và thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Chính phủ giao, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước đến nay và dự báo các tháng cuối năm 2023 cơ bản được đảm bảo.

Tuy nhiên, tình hình diễn biến khó lường của một số yếu tố quốc tế như: Lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; Lạm phát vẫn ở mức cao khiến nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao để đối phó với áp lực lạm phát; Kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh; Lo ngại về nguồn cung do chiến sự giữa Nga và Ukraine; Triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn... đã và đang ảnh hưởng đến giá bản lẻ xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Trước bối cảnh trên, tại Chỉ thị 09, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp để đảm bảo nguồn cung.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, Bộ trưởng yêu cầu phải thực hiện đầy đủ tổng nguồn cung tối thiểu, chia sẻ lợi nhuận hợp lý trong hệ thống, không để thiếu xăng dầu cục bộ, trong bối cảnh giá bán lẻ, nguồn cung trong nước đang chịu tác động khó lường của tình hình thế giới và lệnh cấm của EU với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga cũng như việc hạn chế sản lượng của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).

Chỉ thị cũng yêu cầu các đơn vị đầu mối thực hiện đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao; Phải chủ động nguồn hàng trong nước và nhập khẩu, thực hiện dự trữ, cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Trong mọi tình huống phải cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ trực thuộc hệ thống phân phối.

Nhằm tăng cường giám sát hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm nay của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.

Trường hợp có diễn biến bất thường về nguồn cung, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh phân giao tổng nguồn, bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối có đủ năng lực để đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống.

Đồng thời, yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng kiểm tra thường xuyên, đột xuất và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong kinh doanh xăng dầu.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 21-22 triệu tấn xăng, dầu các loại cho sản xuất và tiêu dùng. Hiện nay nguồn cung trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, còn lại nhập khẩu.

Trong 7 tháng của năm 2023, hai nhà máy lọc dầu trong nước sản xuất được khoảng 8,1 triệu tấn xăng dầu các loại, riêng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 53% sản lượng; 7 tháng đã nhập khẩu khoảng 6,13 triệu tấn xăng dầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp