Bộ Y tế có văn bản hỏa tốc cảnh báo nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết

Bộ Y Tế Việt nAM
21:07 - 11/07/2022
Phun hóa chất diệt muỗi để phòng dịch sốt xuất huyết
Phun hóa chất diệt muỗi để phòng dịch sốt xuất huyết
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 10/7, Bộ Y tế đã có văn bản hoả tốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Theo đó cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh thành  và chỉ đạo khắc phục thiếu sót trong phòng dịch.

Còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bùng phát dịch sốt xuất huyết trên diện rộng

Theo Bộ Y tế, hiện nay dịch sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh và sớm hơn năm 2021 tại nhiều tỉnh, thành phố do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và phát triển.

Tuy nhiên trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian vừa qua vẫn còn những vấn đề tồn tại như việc nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) tại các hộ gia đình vẫn chưa được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; nhiều nơi vẫn thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, trong hơn hai năm tập trung nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và cán bộ điều trị, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân chưa được tập huấn, tập huấn lại về bệnh dịch sốt xuất huyết.

Bộ Y tế dự báo nếu không có các biện pháp quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh, thời gian tới, số ca Covid-19 và ca mắc sốt xuất huyết có thể tăng mạnh và gây bùng phát dịch trên diện rộng.

Trong văn bản hỏa tốc, Bộ Y tế đã nêu một số biện pháp để chủ động phòng, chống dịch, không để dịch chồng dịch. Trong đó, UBND các cấp cần chủ động phòng, chống dịch bệnh. Huy động đông đảo lực lượng cán bộ tại các ban ngành, đoàn thể, tổ dân phố, thôn, bản và cộng đồng phòng chống dịch. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động phòng, chống dịch, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, hoặc các khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.

Bên cạnh đó cần triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Tổ chức tốt phân tuyến, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong do sốt xuất huyết

Đối với Sở Y tế các địa phương, Bộ Y tế đề nghị tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.

Triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch, khu vực có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ảnh: quangtri.gov.vn

Triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch, khu vực có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ảnh: quangtri.gov.vn

Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Chỉ đạo triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch, khu vực có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng đội xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy).

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, cần phối hợp với ngành y tế tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch đến tận hộ gia đình và cộng đồng. Tổ chức các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền về diệt lăng quăng (bọ gậy), các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước, vốn là nơi muỗi truyền bệnh đẻ trứng và phát triển, để phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức định kỳ tổng vệ sinh, khử khuẩn môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại trường học. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Sở Tài chính trình UBND tỉnh, thành phố quyết định kịp thời bổ sung kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo nhu cầu đáp ứng phòng, chống dịch bệnh; sẵn sàng lượng thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn phù hợp, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương, đơn vị giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch bệnh.

Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 4/7, cả nước ghi nhận khoảng 92.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng 15.000 ca so với thống kê 10 ngày trước đó. Trong vòng 10 ngày qua đã có thêm 6 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong từ đầu mùa dịch tới nay lên 36 ca.

Bên cạnh đó, sáng 11/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, vùng đang tồn tại nhiều ổ dịch lớn, cho biết, trong tuần qua (từ 1/7 - 7/7) TP đã ghi nhận sự gia tăng mạnh của 143 ổ dịch mới với 2.834 bệnh nhân, tăng 307 ca (12,1%) so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, thành phố cũng vừa ghi nhận thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết tại quận Gò Vấp và quận Bình Tân.

Đồng thời, tình hình dịch sốt xuất huyết ở các tỉnh miền Trung cũng đang tăng nhanh. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, trong tháng 6, địa phương này đã ghi nhận 1.380 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 6 lần so với trung bình tháng 6 của 5 năm qua. Nếu tính tổng số ca mắc 6 tháng đầu năm, con số này đã gấp 22,7 lần so với năm 2021. Đồng thời, tại các tỉnh, thành khác trong vùng cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh, gây quá tải tại các bệnh viện do các ca nhiễm sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành phố như Huế, Quảng Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp