Cà Mau ban hành Kế hoạch xanh, hướng phát thải ròng bằng ’0’ vào năm 2050

Cà Mau Kinh Tế Xanh
23:21 - 16/12/2023
Ảnh minh họa: CTTĐT tỉnh Cà Mau
Ảnh minh họa: CTTĐT tỉnh Cà Mau
0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Cà Mau vừa có quyết định ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 – 2030, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/12/2023 và thay thế Quyết định số 1601/QĐ-UBND ngày 01/10/2018.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là đảm bảo thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch còn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, gắn với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; trọng tâm là đẩy mạnh khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo.

Thông qua Kế hoạch, tỉnh Cà Mau hướng đến nâng cao hiệu suất, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên. Tỉnh tập trung đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng theo hướng xanh, thân thiện với môi trường góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng hướng đến nền kinh tế carbon thấp, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính. Cà Mau còn nghiên cứu tạo ra các tiềm năng mới, động lực mới, cơ hội mới để thu hút tối đa các nguồn lực hướng tới mục tiêu phát triển bền vững…

Giảm phát thải khí nhà kính

Tỉnh Cà Mau hướng đến góp phần thực hiện mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP của Việt Nam ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Đến năm 2030, tỉnh Cà Mau bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh nằm trong giới hạn tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia (giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường) nếu có thêm sự hỗ trợ của quốc gia, quốc tế và huy động được đầu tư từ các thành phần kinh tế để triển khai thành công các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Các cơ sở sản xuất có phát thải khí nhà kính thực hiện xây dựng kế hoạch, lộ trình cải thiện công nghệ phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Các cơ sở này phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp có mức tổng lượng tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương trở lên và cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh đạt mức phát thải ròng bằng “0”; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh.

Xanh hóa các ngành kinh tế

Cà Mau đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Cà Mau giảm 7 - 10% mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, nhựa, phân bón… Cà Mau đạt mức tiết kiệm năng lượng 3 - 5% tổng tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh; đẩy mạnh việc thực hiện tiết kiệm điện trong các khâu phân phối, kinh doanh và sử dụng điện, giảm tổn thất điện năng xuống thấp hơn 5%.

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cà Mau đảm bảo 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định. Tập trung thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới hướng tới xuất khẩu điện.

Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP. Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán của tỉnh đạt 27% (trong đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt 18,5%); tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận đạt 15%. Cà Mau có 5 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đọc tiếp