Các công ty chứng khoán kỳ vọng mức nới room tại VCB sẽ đạt 18%

NGÂN HÀNG Việt nAM
13:10 - 02/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Ngoài VDSC, tại phân tích mới đây của Chứng khoán KB cũng cho rằng, ngân hàng Vietcombank (VCB) sẽ được đánh giá cao trong quá trình xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, nhờ chất lượng tài sản tốt cùng với việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp.

Tại báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB), Chứng khoán KB (KBSV) dự báo tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ở mức 18% trong năm 2022.

KBSV kỳ vọng, Vietcombank sẽ được Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao trong quá trình xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng nhờ chất lượng tài sản tốt cùng với việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp (chỉ chiếm 1% tổng dư nợ).

Trong quý II/2022, dư nợ cho vay khách hàng tại Vietcombank tiếp tục được cải thiện trong, tăng 7% so với quý trước, trong khi đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chỉ đóng góp một tỉ trọng nhỏ trong tổng mức tín dụng (1%) giúp cho dư nợ tín dụng của nhà băng đạt

1.112.460 tỷ VND).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 14,4% tính từ đầu năm 2022, như vậy VCB đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% được NHNN cấp cho vào đầu năm nhờ nhu cầu tín dụng tăng cao hậu Covid.

Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, với việc Vietcombank đã đề xuất nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng cũng như là ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế trong hai năm đại dịch thì nhiều khả năng ngân hàng vẫn sẽ được giao hạn mức tín dụng tích cực với mức ước tính hạn mức tín dụng cả năm vào khoảng 18-19%.

Chất lượng tài sản thuộc nhóm tốt nhất trong toàn hệ thống ngân hàng

Theo các chuyên gia KBSV, trong quý II, tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng đạt 0,61%, giảm 0,21% so với quý trước và vẫn giữ vững vị thế là ngân hàng đứng đầu trong hệ thống thận trọng trong việc trích lập dự phòng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 505,8%.

Điều này sẽ giúp VCB tránh khỏi các rủi ro tăng mạnh chi phí trích lập trong tương lai gây ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận. Về nợ tái cơ cấu trong quý II đạt 3.500 tỷ VND giảm 66,7% so với mức cuối năm 2021, và chỉ chiếm 0,32% tổng dư nợ.

KBSV đánh giá về chất lượng tài sản của VCB thuộc nhóm tốt nhất trong toàn hệ thống ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì dưới 1,0% và việc Vietcombank đã hoàn thành trích lập 100% nợ tái cơ cấu trong năm 2021 nhờ đó sẽ tạo bộ đệm lợi nhuận giúp ngân hàng tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2022.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) được dự báo đạt 3,2% với kì vọng CASA của ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao, có thể bù đắp cho việc thanh khoản hệ thống không còn dồi dào như năm 2021 khiến chi phí đầu vào của Vietcombank sẽ tăng nhẹ.

Theo các chuyên gia, nhờ tận dụng tốt chi phí vốn thấp khi mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức nền thấp, NIM của ngân hàng trong quý II duy trì ổn định, đạt 3,34% chỉ giảm nhẹ 0,05 điểm% so với quý trước. Lãi suất đầu vào bình quân đạt 2,2% không thay đổi nhiều so với quý trước nhờ tỷ lệ CASA đạt 35,4%, giảm 0,92 điểm % so với quý trước nhưng vẫn duy trì cao hơn mức trung bình 33% của năm 2021.

Dự phóng kết quả kinh doanh

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, KBSV dự phóng NIM tại Vietcombank sẽ đạt 3,2%, với kì vọng CASA duy trì ở mức cao, có thể bù đắp cho việc thanh khoản hệ thống không còn dồi dào như năm 2021 khiến chi phí đầu vào của VCB sẽ tăng nhẹ.

Đây cũng là ý kiến của VNDirect trong báo cáo cập nhật về Vietcombank trước đây, theo đó các chuyên gia tại VNDirect cũng nhận định, NIM của ngân hàng trong năm 2022 sẽ ở mức 3,2% và duy trì tỷ lệ CASA là 35% vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2022, các chuyên gia cho rằng rất khó để tăng trưởng NIM trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng dần.

Về thu nhập ngoài lãi, KBSV dự báo khoản này tại VCB sẽ chỉ tăng nhẹ 4,4% so với cùng kỳ nhờ động lực từ tăng trưởng doanh thu bancasurance cùng với duy trì lợi thế ở mảng giao dịch ngoại hối.

Ngoài ra, trong năm nay, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến ở mức thấp hơn so với năm 2021, đạt 8.407 tỷ VND do trong năm 2021 VCB đã đẩy mạnh trích lập dự phòng trong khi chất lượng tài sản vẫn duy trì ở mức tốt.

Từ đó, các chuyên gia KBSV dự báo, năm 2022 ngân hàng sẽ thu về 29.663 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 35,2% so với cùng kỳ 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp