Đường đua Big 4 ngân hàng: Vietcombank giành lại ngôi vương, Agribank bứt tốc

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:04 - 09/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Hiện tại, cả 4 "ông lớn" ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank đều đã công bố kết quả kinh doanh giữa niên độ. Trong đó, Vietcombank đã giành lại ngôi quán quân, Agribank cũng bứt tốc về lợi nhuận nhưng lại có có số dư nợ xấu tăng cao.

Tính đến ngày 9/8, hầu hết các nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 và báo cáo giữa niên độ 2022, trong đó cuộc cạnh tranh của nhóm Big4 Ngân hàng Quốc doanh vẫn luôn được mong đợi nhất.

Về quy mô tài sản, BIDV vẫn là nhà băng có quy mô lớn nhất với với 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với đợt đầu năm, xếp thứ 2 là tổng tài sản tại Agribank với gần 1,77 triệu tỷ đồng, tăng 9,12% so với cùng kỳ và tăng 4,42% so với đầu năm.

Tổng tài sản của VietinBank cũng tăng tới 10,4% đạt 1,69 triệu tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, cuối cùng là Vietcombank đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm với động lực chính giúp tài sản mở rộng mạnh mẽ đến từ cho vay khách hàng; tiền gửi, cho vay các tổ chức tín dụng khác và chứng khoán đầu tư.

Tuy có quy mô tài sản lớn nhất trong nhóm Big4 nhưng BIDV vẫn chỉ xếp thứ 4 về lợi nhuận với 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ, hoàn thành 53,8% kế hoạch năm 2022.

Vị trí quán quân lợi nhuận trước thuế thuộc về Vietcombank khi không chỉ xuất sắc dẫn đầu nhóm Big 4 Ngân hàng mà còn giành lại ngôi đầu bảng từ tay VPBank với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 17.373 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, sự vươn lên mạnh mẽ của Agribank trong 6 tháng đầu năm cũng gây chú ý khi đứng vị trí thứ 2 trong nhóm Big4 với mức lợi nhuận trước thuế đạt 15.080 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ.

Xếp thứ 3 về lợi nhuận trong nhóm Big 4 là Vietinbank do trong quý I ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng, nên luỹ kế 6 tháng đầu năm ngân hàng thu về với 11.608 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Về chi phí dự phòng rủi ro, hầu hết nhóm Big4 đều giảm trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm nay, duy chỉ có Vietinbank là tăng hơn 1.854 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tính nguyên quý II/2022, BIDV đã giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi còn 6.380 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 25% so với quý do nền kinh tế được phục hồi trở lại, thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo phân loại nợ. Các chỉ tiêu an toàn đảm bảo theo quy định.

Tuy nhiên, luỹ kế 6 tháng đầu năm, BIDV là ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng lớn nhất với 13.772 tỷ đồng, xếp sau lần lượt là Vietinbank với 10.310 tỷ đồng, Agribank với 7.495 tỷ đồng và Vietcombank với 5.007 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2021 là 5.500 tỷ đồng.

Vốn là chi phí ngốn mất nhiều lợi nhuận nhất, gánh nặng được giảm bớt giúp nhóm Big4 dễ dàng bứt tốc so với nhóm cổ phần có mức trích dự phòng khá ít so với lợi nhuận thuần.

Về lãi suất tiền gửi, Vietcombank sau một thời gian dài giữ lãi suất ổn định thì đến tháng 8/2022 đã có những điều chỉnh mới theo hướng tăng lãi suất. Cụ thể ngoài hai kỳ hạn là 6 tháng và 9 tháng được giữ nguyên lãi suất như cũ thì lãi suất ngân hàng áp dụng cho các kỳ hạn còn lại đồng loạt tăng thêm 0,1 điểm % so với trước.

Lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng này hiện đang triển khai trong khoảng từ 3,1%/năm đến 5,6%/năm. Trong đó mức lãi suất cao nhất đang được Vietcombank niêm yết là 5,6%/năm đang áp dụng cho khoản tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng.

Mặt khác tại ba “ông lớn” còn lại gồm VietinBank, Agribank và BIDV, lãi suất tiền gửi vẫn được duy trì không đổi so với khảo sát hồi đầu tháng trước. Phạm vi lãi suất tại cả 3 ngân hàng này cùng ghi nhận trong phạm vi từ 3,1%/năm đến 5,6%/năm. Bên cạnh đó lãi suất cụ thể tại từng kỳ hạn gửi cũng được áp dụng tương đối giống nhau.

Mức lãi suất cao nhất tại nhóm 3 ngân hàng này cùng là 5,6%/năm. Ngân hàng Agribank áp dụng lãi suất cao nhất cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng đến 24 tháng. Còn tại VietinBank đang triển khai tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Khách hàng gửi tiền tại ngân hàng BIDV sẽ được hưởng mức lãi suất này nếu đăng ký gửi tại kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.

Ngoài ra, các "ông lớn" ngành ngân hàng tiếp tục dẫn đầu trong hệ thống các ngân hàng với số dư tiền gửi khách hàng đều trên 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng tiền gửi của các ngân hàng niêm yết. Trong đó, Agribank đứng ở vị trí quán quân với gần 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm về tiền gửi. Theo sau đó là BIDV, VietinBank và Vietcombank ghi nhận tăng trưởng từ 2-5% so với đầu năm.

Về khoản cho vay khách hàng, Vietcombank là ngân hàng ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất cho vay khách hàng với 14,6%, tiếp đó là VietinBank với 9,5% tuy nhiên vị trí đứng đầu lại thuộc về BIDV với 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với hồi đầu năm.

Xét về nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu, tuy lợi nhuận có sự bứt phá nhưng Agribank đang có tổng nợ xấu nội bảng là 29.983 tỷ đồng, tăng 22,1% so với đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 64,6% nợ xấu, ở mức 19.375 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay theo đó bị kéo từ 1,87% vào đầu năm tăng lên 2,16% khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2022.

Nợ xấu của VietinBank cũng tăng mạnh 16,5% so với đầu năm, lên 16.667 tỷ đồng, kéo theo đó tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,26% lên 1,34%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm xuống 3.331 tỷ đồng, giảm 53% so với thời điểm đầu năm. Nợ nghi ngờ (nhóm 4) cũng giảm 26%, xuống 1.477 tỷ đồng.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng vọt 128% so với đầu năm, lên 11.858 tỷ đồng. Tỷ trọng của nhóm nợ này trong tổng nợ xấu nội bảng của VietinBank theo đó tăng lên 71%, thay vì mức 36% đầu năm.

Song, việc tăng cường trích lập dự phòng giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 180% lên 190% tại thời điểm 30/6.

Đối với BIDV, do chất lượng tín dụng được cải thiện tích cực so với đầu năm với tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN là 0,83%, đảm bảo theo định hướng điều hành; tỷ lệ nợ nhóm 2 theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN là 1,28%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại nhà băng cũng đạt 279% là mức cao nhất từ trước đến nay, tăng so với mức 235% thời điểm 31/12/2021.

Vietcombank vẫn là ngân hàng dẫn đầu với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 500%, là con số cao nhất toàn ngành. Nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 6 là 6.694 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 4.668 tỷ, tăng 6,3%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Vietcombank giảm từ 0,64% hồi đầu năm xuống 0,61% vào cuối tháng 6/2022.

Về vốn điều lệ tại các ngân hàng, trên thực tế Vietcombank đã công bố tài liệu gửi cổ đông thường niên năm 2022 với dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18,1% để tăng vốn thêm hơn 8.566 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.

VietinBank và BIDV cũng đều có kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Cụ thể với Vietinbank, ngân hàng dự kiến phương án tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.

BIDV cũng có kế hoạch tăng 21% vốn điều lệ, tương ứng tăng thêm 10.623 tỷ đồng lên hơn 61.208 tỷ đồng thông qua hai phương án. Đầu tiên là phát hành hơn 607 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ phân chia là 12%. Thời gian thực hiện dự kiến phát hành trong quý III và quý IV/2022, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Từng là ngân hàng có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu lớn nhất nhì hệ thống song Agribank ngày càng lùi xa so với các ngân hàng khác. Năm 2021, vốn điều lệ của Agribank được nâng lên 34.556 tỷ đồng (tăng thêm 3.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách giữ lại) song đến hiện tại vẫn thấp nhất trong nhóm Big 4.

Tuy nhiên, Agribank lại là nhà băng có thu nhập nhân viên tăng mạnh nhất nửa đầu năm. Báo cáo tài chính quý II của Agribank cho thấy ngân hàng này đã tăng gần 40% chi phí cho nhân viên trong 6 tháng đầu năm 2022. Nguyên nhân do quy mô nhân sự tại Agribank cũng cao nhất toàn hệ thống.

Cụ thể, nhà băng này đã chi ra gần 9.472 tỷ đồng, tăng gần 2.700 tỷ so với cùng kỳ 2021. Trong đó, chi lương và phụ cấp tăng hơn 43%, từ hơn 6.058 tỷ đồng lên gần 8.671 tỷ đồng.

Với con số 9.472 tỷ đồng, Agribank là ngân hàng chi nhiều nhất cho nhân viên trong nửa đầu năm, vượt xa BIDV (5.610 tỷ đồng), VietinBank (5.054 tỷ đồng) và Vietcombank (4.477 tỷ đồng). Trong đó, riêng quỹ lương của Agribank cao gần gấp 2 lần cả ba ông lớn trên.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.