Các dự án nhà ở xã hội đang triển khai rất chậm

bđs Nhà ở
14:24 - 14/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2022 của Bộ Xây dựng, đại diện Bộ Xây dựng cho biết tiến độ xây dựng nhà ở xã hội rất chậm, gần như không có dự án nào được cấp phép mới.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng công bố tại buổi họp báo chiều 13/6, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo như kế hoạch; trong đó nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 với 54.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị đạt khoảng 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.

Đại diện Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản cho biết, hai năm (2020-2021) nguồn cung bất động sản giảm mạnh. Năm 2021 nguồn cung nhà ở giảm 34% so với năm 2020, năm 2020 số dự án mới đã giảm 50% so với năm 2019. Còn nhà ở xã hội gần như không có dự án nào được cấp phép mới, trong khi đây là phân khúc có nhu cầu cao nhất.

Cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội, nhưng tốc độ triển khai rất chậm, trong đó nhà ở công nhân là 7,6 triệu m2 với hơn 152.000 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 10 triệu m2 với 219.000 căn hộ. Các dự án này đang triển khai rất chậm và mới chỉ khởi động lại thời gian gần đây sau gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố.

Nguy cơ "ế" 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội

Trước đó, Bộ Xây dựng có công văn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội về nhu cầu cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, trên tổng số vốn 15.000 tỷ đồng được giao trong năm 2022 và 2023, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội về dự kiến kế hoạch cho vay năm 2022 là 6.800 tỷ đồng, năm 2023 (8.200 tỷ đồng).

Theo ông Khởi, gói tín dụng này không chỉ dành cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội mà còn cho việc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Căn cứ theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014, có khoảng 10 đối tượng thuộc diện được mua, thuê mua nhà ở xã hội và được vay vốn từ gói ưu đãi này. Từ đó, có thể thấy đối tượng của gói ưu đãi này là rất rộng tuy nhiên nếu như không có nguồn cung nhà ở xã hội thì gói hỗ trợ này sẽ có nguy cơ bị "ế".

“15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở vay với lãi suất thấp nhưng bây giờ lấy đâu ra nguồn cung để cho người dân mua nhà ở xã hội. Tức là muốn giải ngân 15.000 tỷ đồng trên phải có nguồn cung nhà ở xã hội cho người dân, có cung mới tiêu được cầu. Như vậy, trong 2 năm liệu có tiêu hết 15.000 tỷ?”.

Phó Cục trưởng Nguyễn Mạnh Khởi

Để đảm bảo nguồn cung ra thị trường, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản đề xuất các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển các dự án bất động sản; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý có hiệu quả, ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung ngay cho thị trường.

Liên quan đến nguồn vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, ông Khởi nhấn mạnh, Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, các tỉnh đang tổng hợp gửi danh mục dự án để Bộ Xây dựng công bố và sau khi Bộ công bố, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho vay và được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%. Hiện đã có điều kiện và trình tự vay rõ ràng.

Tin liên quan

Đọc tiếp