Các rủi ro tài chính toàn cầu trong bối cảnh Covid-19

TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
18:26 - 20/01/2022
Các rủi ro tài chính toàn cầu trong bối cảnh Covid-19
0:00 / 0:00
0:00
Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã gây nhiều xáo trộn cho nền kinh tế thế giới trong hơn hai năm qua, do đó việc nhận diện các rủi ro cho hệ thống tài chính toàn cầu luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà chức trách.

Trong phát biểu ngày khai mạc Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) hôm 17/1 vừa qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc tiếp cận vaccine, chống biến đổi khí hậu và cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu. Đây được coi là những vấn đề nóng nhất tại WEF 2022.

Trong đó, vấn đề rủi ro tài chính toàn cầu được các nước đặc biệt quan tâm.

Lạm phát

Đầu năm 2021, Mỹ được dự báo kết thúc năm với lạm phát 2%. Nhưng trên thực tế, con số này là 7%. Năm 2022, một lần nữa giới quan sát dự báo con số 2%. Nhưng việc không đạt vẫn có khả năng xảy ra.

Biến chủng Omicron chỉ là một trong những nguyên nhân cho việc này. Lương nhân công năm 2022 cũng có thể tăng lên. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể kéo giá khí đốt lên cao. Trong khi đó, biến đổi khí hậu cũng khiến thời tiết khắc nghiệt hơn, từ đó đẩy giá lương thực tăng vọt.

Dĩ nhiên, không phải tất cả rủi ro đều đi theo hướng tiêu cực. Nếu đợt dịch mới bùng phát, việc đi lại bị ảnh hưởng, giá dầu sẽ giảm. Dù vậy, sự kết hợp giữa lạm phát và tăng trưởng chậm sẽ càng đẩy các ngân hàng trung ương vào thế khó.

Chính sách tiền tệ của Mỹ.

Thị trường vừa trải qua cú sốc về Omicron thì tiếp tục nhận tin Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết cơ quan này có thể đẩy nhanh kế hoạch giảm quy mô mua lại tài sản. Với vai trò của đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu, động thái của Fed có thể tác động đến tâm lý của nhà đầu tư với tài sản rủi ro. Theo đó, dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi sẽ có xu hướng giảm dần. Đồng USD sẽ mạnh lên, do vai trò của nó trong dòng chảy thương mại toàn cầu.

Để đánh giá xem nơi nào phải đối mặt với sức ép lớn nhất từ việc Fed đang thắt chặt chính sách, The Economist đã thu thập dữ liệu vĩ mô của 40 nền kinh tế mới nổi. Thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, mức nợ cao (đặc biệt là nợ nước ngoài), lạm phát tràn lan và dự trữ ngoại hối thiếu hụt là những chỉ số có thể gây rắc rối cho các quốc gia, nếu dòng vốn đảo chiều do Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Thang điểm 40 là tổn thương cao nhất, tương ứng với màu đỏ. Đồ họa: The Economist
Thang điểm 40 là tổn thương cao nhất, tương ứng với màu đỏ. Đồ họa: The Economist

Kết hợp các thông số này của các quốc gia sẽ tạo ra "chỉ số dễ bị tổn thương". Kết quả là một số thị trường sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng. Ví dụ như Argentina, quốc gia đứng đầu danh sách về chỉ số này. Họ phải đối mặt với lạm phát trên 50% và khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.

Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

Năm 2021, tác động tổng hợp từ "quả bom nợ" của tập đoàn bất động sản Evergrande, các đợt phong tỏa liên tiếp vì Covid-19 và thiếu năng lượng đã khiến GDP nước này chỉ tăng 0,8%, thấp hơn rất nhiều mức 6% mà thế giới đã quen thuộc.

Cuộc khủng hoảng năng lượng có thể dịu bớt năm sau. Tuy nhiên, hai vấn đề còn lại thì khó. Chiến lược zero Covid của Bắc Kinh cũng đồng nghĩa biến chủng Omicron sẽ khiến nước này phong tỏa thêm. Khi nhu cầu yếu và tài chính bị thắt chặt, xây dựng – vốn đóng góp 25% kinh tế Trung Quốc – có thể sẽ tiếp tục lao dốc.

Bloomberg dự báo Trung Quốc tăng trưởng 5,7% năm sau. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng thực tế lùi về 3%, toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng. Các nước xuất khẩu sẽ mất thị trường tiêu thụ lớn. Các kế hoạch của Fed cũng có thể đi chệch quỹ đạo ban đầu.

Ngoài ra, khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các nhà xuất khẩu trên thế giới sẽ thiệt hại. Nhìn chung, họ là nước tiêu thụ nhôm, than đá, bông và đậu nành lớn nhất thế giới. Không những vậy, Trung Quốc còn là nhà nhập khẩu chính của nhiều mặt hàng, từ thiết bị cơ bản đến rượu vang.

Chính sách tài khóa thắt chặt

Các chính phủ đã chi rất mạnh tay để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong đại dịch. Nhiều nước giờ lại muốn thắt lưng buộc bụng. Việc giảm chi tiêu công trong năm 2022 có thể tương đương 2,5% GDP toàn cầu, lớn gấp 5 lần các chính sách thắt chặt sau khủng hoảng 2008, UBS ước tính.

Dĩ nhiên cũng có ngoại lệ. Chính phủ mới của Nhật Bản đã thông báo thêm gói kích thích kỷ lục nữa. Giới chức Trung Quốc cũng ra tín hiệu chuyển hướng sau kích thích kinh tế sau thời gian dài thắt lưng buộc bụng.

Tựu chung lại, các vấn đề tài chính này đang tạo ra áp lực rất lớn cho nhà chức trách các quốc gia. Bởi lẽ, rủi ro tài chính chi phối trực tiếp đến tăng trưởng toàn cầu nói chung và quốc gia đó nói riêng.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), các biến thể của virus SARS-CoV-2 lan rộng, kết hợp với lạm phát, nợ và bất bình đẳng đã và đang làm gia tăng bất ổn. Tăng trưởng toàn cầu năm 2022 được dự báo ở mức 4,1%. Tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ đi kèm với gia tăng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Tốc độ tăng trưởng các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm từ 5% năm 2021 xuống còn 3,8% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023, nếu điều tiết phù hợp tốc độ này sẽ đủ để khôi phục sản lượng và đầu tư ở các nền kinh tế này về mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng dự kiến sẽ giảm từ 6,3% năm 2021 xuống 4,6% năm 2022 và 4,4% năm 2023. Đến năm 2023, dự báo tất cả các nền kinh tế phát triển có thể khôi phục sản xuất hoàn toàn. Tuy nhiên, sản xuất ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn thấp hơn 4% so với mức trước đại dịch.

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.