Cái chết của một huyền thoại ngành hàng không

Hàng KHông phá sản
08:28 - 25/10/2021
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh các nữ tiếp viên hãng Alitalia cởi bỏ đồng phục và chỉ mặc đồ lót đứng biểu tình trước tòa thị chính Rome tựa như dấu chấm hết đau buồn cho hãng hàng không quốc gia Italy từng nổi tiếng khắp thế giới trong suốt 75 năm.

Nhà vận tải hàng không Alitalia vừa buộc phải ngừng hoạt động sau nhiều năm lỗ nặng và mọi nỗ lực giải cứu không mang lại kết quả. Kể từ ngày 15/10, tất cả hoạt động của Alitalia được ITA Airways thay thế sau khi hãng hàng không quốc gia mới thành lập này của Italy bỏ ra 75 triệu bảng Anh để mua quyền thương hiệu và website bán vé của Alitalia.

Vào thời điểm chấm dứt vận hành, Alitalia có 10.500 nhân viên nhưng chỉ 2.800 người trong số này được hãng mới ITA Airways tuyển dụng, còn lại đồng nghĩa với thất nghiệp. Trong số đội bay 110 chiếc các loại của Alitalia cũng chỉ có 52 chiếc được hãng mới trưng dụng khai thác tiếp.

Chủ tịch của ITA Airways là Alfredo Altavilla cho biết, hãng sẽ rũ bỏ hoàn toàn các hình ảnh nhận diện của hãng cũ Alitalia. Như vậy niềm tự hào của hàng không Italy trong suốt hơn 7 thập kỷ giờ đây chỉ còn lưu dấu ấn trên biểu tượng ITA Airways qua 3 màu quốc kỳ Italy là đỏ, trắng và xanh lá, còn thiết kế hình ảnh sẽ hoàn toàn khác.

Sự phũ phàng nói trên chính là nguyên nhân khiến hơn 50 nữ tiếp viên của Alitalia thực hiện cuộc biểu tình cởi áo hôm 23/10 bằng cách trút bỏ bộ đồng phục của hãng ngay trước Campidoglio (Tòa thị chính Rome) và hô vang: “Chúng tôi là Alitalia”. Nỗ lực trong vô vọng này nhằm phản đối việc cắt giảm việc làm khi ITA Airways tiếp quản Alitalia.

Trong khi đó, ITA Airways có lý do để thực hiện quyết định nghiệt ngã của mình khi định vị lại hãng bay với quy mô đội bay hợp lý và chọn các điểm đến có khả năng sinh lời cao, vốn là những điểm yếu khiến Alitalia bị phá sản do không kịp thay đổi.

Những chiếc máy bay cuối cùng sơn màu hãng Alitalia. Ảnh: Eturbonews

Những chiếc máy bay cuối cùng sơn màu hãng Alitalia. Ảnh: Eturbonews

Phá sản không phải vì Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt hãng hàng không trên thế giới đóng cửa sau những chuỗi ngày ngừng bay. Tuy nhiên, số phận của Alitalia lại không phải do dịch bệnh định đoạt vì hãng đã gặp khó khăn kéo dài từ trước khi Covid-19 xuất hiện. Một trong những lý do chính dẫn đến sự sụp đổ của hãng bay này lại đến từ việc họ không thể cạnh tranh được với các tuyến đường sắt tốc độ cao.

Alitalia được định vị là hãng hàng không quốc tế nhưng hãng lại chủ yếu phụ thuộc nguồn thu vào mạng lưới 34 đường bay nội địa Italy. Mọi việc kinh doanh của hãng diễn ra ổn thỏa cho đến khi hệ thống tàu điện cao tốc nối các thành phố lớn và cũng là các trung tâm du lịch của Italy đi vào hoạt động. Từ đây, với sự thuận tiện hơn hẳn của đường sắt hành khách cũng dần chuyển từ thói quen đi máy bay sang tàu.

Trước năm 2008, một trong số các hành khách thân thiết của Alitalia là CEO hãng tư vấn Policy Sonar đều chọn máy bay để đi về giữa Rome và Milan. Nhưng khi tuyến tàu cao tốc nối hai thành phố đi vào hoạt động năm 2008, anh và hàng triệu hành khách quen của ngành hàng không đã quyết định thay đổi phương tiện vì tính tiện nghi và tiết kiệm thời gian.

Theo thống kê của hãng đường sắt quốc gia Ferrovie dello Stato, tổng số hành khách đi giữa hai điểm Rome và Milan của họ đã tăng gấp hơn 3 lần trong vòng 10 năm, từ một triệu người năm 2008 lên 3,6 triệu năm 2018 và tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Với tốc độ cao, nhà ga nằm ngay giữa trung tâm các thành phố, thủ tục và việc di chuyển không phức tạp như khi đi máy bay khiến đường sắt trở thành lựa chọn hợp lý hơn. Để đi tàu hành khách mất 3 tiếng nhưng có thể đi thẳng một mạch từ trung tâm Rome đến trung tâm Milan mà không phải trải qua bất cứ thủ tục mất thời gian nào.

Trong khi đó, nếu đi máy bay của Alitalia dù họ chỉ mất nửa giờ bay nhưng lại phải đến làm thủ tục check-in sớm 90 phút trước giờ bay, bên cạnh đó là các thủ tục hành lý và chờ máy bay sẵn sàng thêm 1 giờ nữa. Chưa kể khi tới điểm đến họ lại mất thêm hàng tiếng đồng hồ cho việc lấy hành lý và đặt xe từ sân bay về trung tâm thành phố.

Tuyến đường sắt cao tốc Rome-Milan đã lấn sân hàng không. Ảnh: Travel & Leisure

Tuyến đường sắt cao tốc Rome-Milan đã lấn sân hàng không. Ảnh: Travel & Leisure

Sau Rome-Milan, hàng chục tuyến đường sắt cao tốc hiện đại khác lần lượt nối các thành phố lớn của Italy và thu hẹp dần thị phần của Alitalia. Trước đây, ngành đường sắt cũng từng khiến hãng hàng không Lufthansa của Đức phải khai tử đường bay từ thủ đô Berlin đến thành phố Hamburg. Nhưng Lufthansa vẫn tiếp tục là hãng hàng không hàng đầu thế giới thì Alitalia lại tỏ ra quá chậm chạp trong thay đổi dẫn đến bị đường sắt "hạ gục".

Hãng hàng không Alitalia ra đời năm 1946 ngay sau Thế chiến II với sự hợp tác giữa chính phủ Italy và hãng hàng không Anh British European Airways theo tỷ lệ 60-40. Trong suốt 75 năm hoạt động, đây luôn là hãng hàng không quốc gia mang theo niềm tự hào của Italy và đứng thứ 12 châu Âu về quy mô tính đến năm 2018.

Tuy nhiên, lịch sử huy hoàng của Alitalia bắt đầu lụi tàn từ năm 2017 khi hãng không có lợi nhuận. Tới tháng 3/2020, chính phủ Italy phải đứng ra tiếp quản Alitalia và có nhiều nỗ lực để vực dậy huyền thoại hàng không này. Nhưng đến tháng 8/2021, Alitalia tuyên bố đóng cửa từ ngày 15/10 và được tái cơ cấu thành hãng hàng không quốc gia mới mang tên Italia Transporto Aereo (ITA Airways).

Đọc tiếp

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Ly (thứ 2 từ phải sang) chủ trì đại hội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ API: Mục tiêu có lãi trở lại

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API) được tổ chức ngày 10/5 tại Tòa nhà Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.