Cải thiện môi trường kinh doanh (Bài 1): Không thể chần chừ thêm

CHÍNH SÁCH Việt nAM
20:24 - 03/03/2022
Cải thiện môi trường kinh doanh (Bài 1): Không thể chần chừ thêm
0:00 / 0:00
0:00
Cải thiện môi trường kinh doanh là trụ cột quan trọng của cải cách. Chạm đến cải thiện môi trường kinh doanh là chạm đến “nút thắt” mấu chốt của nền kinh tế. Do đó, theo các chuyên gia, rất cần một Nghị quyết chiến lược, có tầm nhìn xa và hiệu quả thực chất.

Phải là một nỗ lực xuyên suốt

Tháng 3/2021, tại Hội nghị Tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ trước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thời điểm đó là ông Mai Tiến Dũng khẳng định: “Cá biệt, tình trạng mà báo chí nêu, một chiếc bánh socola cõng 13 giấy phép đã được xử lý. Hiện không còn giấy phép nào nhưng socola vẫn được sản xuất bình thường”. Đó là minh chứng cho nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong nước xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương trong những năm gần đây.

Thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM cho thấy trong giai đoạn 2017-2019, Chính phủ và các bộ ban ngành đã ban hành tới 40 văn bản với nội dung cải cách điều kiện kinh doanh, riêng năm 2018 là 20 văn bản. Đáng chú ý trong đó là Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hàng năm (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019-2021).

Một khảo sát của VCCI cho thấy đa số các doanh nghiệp nhận định chất lượng các cải cách ngày càng tích cực, những thay đổi chính sách đã tạo ra điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng tốc độ và chất lượng thực thi vẫn cần phải được cải thiện hơn.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

“Cải cách điều kiện kinh doanh đã được thực hiện trên văn bản nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng, nhưng chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng thu gọn theo kiểu gộp ngành nghề” bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM) cho biết tại Hội nghị Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội diễn ra ngày 3/3 tại Hà Nội.

"Cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu và khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, nhưng cũng có dấu hiệu chững lại", bà Thảo nói thêm.

Việt Nam là nền kinh tế độ mở cao, tham gia sâu rộng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và có tên trên các hiệp định thương mại tự do quan trọng. Do đó thủ tục xuất nhập khẩu phải thông thoáng, công tác kiểm tra chuyên ngành phải tinh gọn mới phát huy được lợi thế. Nền kinh tế huy động nhiều nguồn lực để dành 347 nghìn tỷ đồng cho Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vậy càng phải chú trọng giải phóng nguồn lực phi tài chính thông qua cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Rõ ràng là không thể chần chừ thêm

Cải thiện môi trường kinh doanh là 1 trong 5 nhóm giải pháp chính trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội kéo dài 2 năm mà Chính phủ vừa ban hành vào cuối tháng 1/2022 để thúc đẩy giải ngân các gói chính sách tài khóa và tiền tệ với tổng quy mô lên tới 347 nghìn tỷ đồng. Nếu không cải cách, rất khó để nền kinh tế hấp thụ lượng vốn khổng lồ như vậy mà không để tiền chảy vào những “vùng trũng”.

“Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đại dịch, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là giải pháp phi tài chính có tính bền vững, là trợ lực cho đà phục hồi của doanh nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nói.

Không riêng các bộ, ban ngành, nhiều chuyên gia kinh tế cũng kỳ vọng năm 2022 là năm bản lề của các cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó gỡ nút thắt cho doanh nghiệp, tạo động lực cho nền kinh tế, tránh lỡ nhịp phục hồi.

“Cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch và họ đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh. Các nỗ lực tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh lúc này là thật đúng thời điểm”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.

Nhìn xa hơn, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 được Chính phủ đưa ra năm 2020 đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho nền kinh tế: đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Mục tiêu như vậy đồng nghĩa Việt Nam phải thoát bẫy thu nhập trung bình, vươn lên thành quốc gia thu nhập cao trong hơn 2 thập kỷ tiếp theo. Nói là tham vọng, bởi nhìn lại lịch sử hơn nửa thế kỷ qua, trên thế giới, chỉ có rất ít quốc gia trên thế giới thành công chuyển mình từ nước thu nhập trung bình lên nước có thu nhập cao.

Đầu tháng 1/2022, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Hội nghị công bố Báo cáo Cập nhật Đánh giá Quốc gia năm 2021 cho Việt Nam đã chỉ ra rằng cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là giải pháp căn cơ để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, hướng tới tầm nhìn dài hạn.

Tương tự quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho hay: “Tôi kỳ vọng cải cách thể chế là nhóm mục tiêu chúng ta phải triển khai triệt để cả trong dài hạn. Chúng ta phải nhìn lại toàn bộ thể chế hiện tại và nền tảng pháp lý xem liệu nó đã thực sự thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng như chúng ta mong muốn hay chưa. Nói chung, lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế có chậm trễ hay không được quyết định rất nhiều bởi tốc độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”.

Quay trở lại câu chuyện ban đầu: chiếc bánh socola đã được “cởi trói”, vậy những ngành hàng khác bao giờ đến lượt?

Năm 2022 là năm thứ tư liên tiếp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu tính từ Nghị quyết 19 năm 2014, đây đã là phiên bản thứ 9 về nhóm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên năm 2022, năm đầu của nhiệm kỳ mới, Nghị quyết 02 đặc biệt hơn vì bao hàm cả các nhiệm vụ chung cho nhiệm kỳ từ nay đến 2025.

Cụ thể, Nghị quyết 02/2022/NQ-CP đặt ra 8 nhóm mục tiêu dài hạn từ nay đến năm 2025:

a) Năng lực cạnh tranh 4.0 thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu.

b) Phát triển bền vững thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu.

c) Năng lực Đổi mới sáng tạo thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu.

d) Chính phủ điện tử thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu.

đ) Quyền tài sản thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu.

e) Hiệu quả logistics tăng ít nhất 4 bậc.

g) Năng lực cạnh tranh du lịch thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu.

h) An toàn an ninh mạng tăng ít nhất 3 bậc.

Đọc tiếp