Cao su Đà Nẵng báo lãi quý III giảm mạnh do chi phí bán hàng tăng quá cao

Cao su Việt nAM
16:54 - 19/10/2021
Cao su Đà Nẵng báo lãi quý III giảm 47%.
Cao su Đà Nẵng báo lãi quý III giảm 47%.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng vừa công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận suy giảm mạnh do chi phí vận chuyển, cạnh tranh thị trường tăng cao.

Doanh thu tăng 20%, chi phí bán hàng tăng 94%

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, báo cáo tài chính quý III của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC – sàn HoSE) cho thấy quy mô doanh thu quý vừa qua đạt 958 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 3,72% so với cùng kỳ dù tình hình dịch Covid-19 đợt 4 diễn ra phức tạp gây “đóng băng” phần lớn các ngành nghề, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều khoản chi phí đã tăng lên, từ chi phí nguyên vật liệu, nhân công cho đến chi phí vận chuyển.

Tỷ suất lợi nhuận gộp quý III còn gần 14,4%, chỉ giảm nhẹ so với mức 15,4% cùng kỳ nhưng kéo biên lãi gộp 9 tháng xuống còn 17,3%. Kết quả kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu năm 2021 là động lực giúp lợi nhuận 9 tháng đầu năm duy trì được đà tăng trưởng.

Giải trình về các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận quý này, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Cao su Đà Nẵng cho biết chi phí bán hàng quý III/2021 đã tăng hơn 36 tỷ đồng so với cùng kỳ do chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu tăng mạnh. Giá cước vận tải biển tăng vọt thời gian qua là gia tăng đáng kể gánh nặng chi phí đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cao su Đà Nẵng cũng không ngoại lệ khi có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang châu Mỹ, châu Âu…

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Cao su Đà Nẵng thu về 3.046 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính đạt 22 tỷ đồng cũng cao gấp đôi cùng kỳ nhờ tăng lãi tiền gửi và phần lãi chênh lệch tỷ giá. Dù chi phí bán hàng tăng tới 94%, lợi nhuận của Cao su Đà Nẵng vẫn tăng 38,5%, đạt 203,6 tỷ đồng trước thuế và 203.6 tỷ đồng sau thuế. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu 9 tháng xấp xỉ 1.714 đồng.

So với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành 79% mục tiêu doanh thu và 84,8% mục tiêu lợi nhuận sau 3/4 chặng đường của năm.

Đến cuối quý III/2021, quy mô tài sản của Cao su Đà Nẵng đạt 2.945 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng sau 9 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp tăng tích trữ tồn kho từ mức 788 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.397 tỷ đồng tại ngày 30/9. Công ty hiện có sẵn 608 tỷ đồng tồn kho thành phẩm, gấp hơn 2 lần giá trị tồn kho hồi đầu năm và 686 tỷ đồng tồn kho nguyên vật liệu trong khi đầu năm chỉ trữ gần 400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cao su Đà Nẵng cũng gia tăng khoản tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 6 tháng và không còn gửi ở kỳ hạn dưới 3 tháng với lãi suất rất thấp như trước đây. Điều này cải thiện phần nào lãi tiền gửi cho công ty.

Về nguồn vốn, công ty tăng khoản phải trả nhà cung cấp và vay nợ ngân hàng nhiều hơn để bổ sung vốn lưu động. Tỷ lệ nợ phải trả đã tăng khá mạnh từ mức 30,5% cuối năm trước lên 40,3% tại thời điểm cuối quý III, nhưng vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung.

Cạnh tranh với lốp Trung Quốc dán mác Đông Nam Á với thuế suất 0%

Trong báo cáo thường niên của Cao su Đà Nẵng đã thể hiện quan ngại về những thách thức lớn với hoạt động kinh doanh trong năm nay. Ngoài vấn đề chi phí vận chuyển tăng mạnh thì câu chuyện cạnh tranh với lốp Trung Quốc dán mác Đông Nam Á với thuế suất 0% đang là nỗi lo của doanh nghiệp này.

Theo công ty này, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng cũng như việc Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới gần đây không chỉ mang đến các cơ hội mới về xuất khẩu, mà còn tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp cao su trong nước khi sản phẩm lốp ngoại tràn vào với giá thấp hơn hẳn trước kia.

Bên cạnh đó, Cao su Đà Nẵng còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn FDI, các doanh nghiệp trong nước khác và đặc biệt là lốp ô tô có xuất xứ từ Trung Quốc - có thuế suất nhập khẩu bằng 0% do các tập đoàn sản xuất lốp ô tô nước này đã chuyển nhà máy qua Đông Nam Á.

Trên thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến một số quốc gia thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa, nhu cầu vận tải hạn chế, nhu cầu lốp xe giảm, điển hình như thị trường Brazil, ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu của Công ty.

Một số nhà nhập khẩu gặp khó khăn đã đề nghị DRC giảm giá để hỗ trợ bán hàng. Cùng với đó, việc giao dịch ký kết các hợp đồng mới của DRC cũng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 khiến việc đi lại ở các nước bị hạn chế…

Tin liên quan

Đọc tiếp