Chậm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động hơn 8.500 tỷ đồng

BẢO HIỂM QUỐC HỘI
11:28 - 06/06/2023
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.
0:00 / 0:00
0:00
Con số được đưa ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Quốc hội sáng 6/6.

Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại phiên họp, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) cho biết, việc chậm đóng bảo hiểm gây ảnh hưởng rất lớn đến hàng trăm nghìn người lao động. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề này.

Đại biểu Trần Quốc Quân (Đoàn Long An) đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để thu hồi toàn bộ số tiền từ doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm và tuyên bố phá sản để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội hiện nay rất phức tạp, đặc biệt như việc lập khống hồ sơ bảo hiểm xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ đã xử lý những vi phạm này như thế nào và giải pháp trong thời gian tới để hạn chế vi phạm trong lĩnh vực này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến hết năm 2022, số tiền chậm đóng, trốn đóng cộng cả lãi và gốc là 8.560 tỷ đồng; so với 2021 tăng khoảng 2,69%. Có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng, ảnh hưởng đến trên 206.000 người lao động.

Một nguyên nhân của tình trạng trên là do các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thiếu đơn hàng, cá biệt có đơn vị cố tình chậm, trốn đóng; cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết; quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt.

Theo Bộ trưởng, số người bị ảnh hưởng do chậm đóng đều được kết nối để giải quyết chính sách theo đúng quy định. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó. Chỉ còn khoản nợ phải tính toán để người lao động không bị ảnh hưởng, tạo điều kiện cho người lao động tham gia ở đơn vị mới hoặc bảo lưu khi thôi tham gia.

Đại biểu Ma Thị Thúy chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Đại biểu Ma Thị Thúy chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Để giải quyết căn cơ vấn đề chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần sửa luật. Các nội dung này đã được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định, bổ sung rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế cho phép, như dừng hoá đơn, hoãn xuất cảnh người sử dụng lao động; quy định lại đối tượng, người được khởi kiện về bảo hiểm xã hội.

“Trốn đóng hiện nay đã được quy định bằng pháp luật, thậm chí xử lý hình sự nhưng khái niệm và phạm vi vẫn chưa xác định rõ, vì vậy đến nay chưa xử lý được một trường hợp nào. Như tại TP HCM có 84 đơn chuyển sang cơ quan điều tra nhưng không xử lý được”, Bộ trưởng cho biết.

Đặc biệt theo Bộ trưởng, việc tập trung nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết, kết nối bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với dữ liệu dân cư. Đây là giải pháp căn cơ, vừa qua bảo hiểm xã hội đã thực hiện nhưng chưa tốt, chưa đạt yêu cầu.

“Phải minh bạch cho người lao động biết, tại sao họ bị chậm đóng bảo hiểm 1 tháng, thậm chí 3 tháng mà không được biết? Phải làm sao để minh bạch thông tin”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, bài học 3 tháng giải ngân 41.000 tỷ đồng từ bảo hiểm xã hội hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chính là nhờ có cơ sở dữ liệu, có thông tin.

Với vấn đề hồ sơ giả bảo hiểm trục lợi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua đã được xử lý quyết liệt, đặc biệt là thông qua thanh tra, kiểm tra. Riêng thanh tra của Bộ đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, ban hành 205 quyết định xử phạt. Kế hoạch năm 2023 đã dành 1/3 số đoàn xử lý vi phạm bảo hiểm xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp