Chi 3.500 tỷ đồng xây dựng Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2 tại Hậu Giang

MASAN Hậu Giang
15:08 - 11/07/2022
Chi 3.500 tỷ đồng xây dựng Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2 tại Hậu Giang.
Chi 3.500 tỷ đồng xây dựng Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2 tại Hậu Giang.
0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Hậu Giang vừa chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho CTCP Tập đoàn Masan đầu tư xây dựng Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2, tại Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 1, huyện Châu Thành.

Theo kế hoạch, dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm miền Tây 2 có vốn đầu tư là 3.500 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 1.050 tỷ, sẽ được góp bằng tiền mặt.

Với quy mô diện tích sử dụng là 46 ha, dự án gồm ba phân khu. Phân khu 1 gồm Nhà máy sản xuất thực phẩm (mì ống, gia vị, nước giải khát, sản phẩm từ tinh bột,...) với diện tích khoảng 20,9 ha.

Phân khu 2 là Nhà máy sản xuất bia đóng lon, đóng chai, bia hơi các loại, với diện tích khoảng 7,82 ha, công suất 100 triệu lít/năm.

Phân khu 3 là Nhà máy sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh, với diện tích khoảng 8,95 ha, công suất 400.000 tấn/năm.

Và phân khu 4 dùng cho kho bãi, nhà xưởng cho thuê, với diện tích khoảng 8,33 ha, cho các công ty trong nội bộ Tập đoàn Masan thuê làm kho nguyên vật liệu, kho thành phẩm, bãi lưu trữ hàng hóa.

Dự án được xây dựng tại Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 1, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Bắt đầu chuẩn bị hồ sơ pháp lý và triển khai các thủ tục dự án từ tháng 12/2022 đến 12/2023. Dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2029. Thời gian hoạt động dự án trong vòng 50 năm.

Theo Quyết định UBND tỉnh Hậu Giang, nhà đầu tư thực hiện ký quỹ theo quy định tại khoản 1, Điều 43 Luật Đầu tư ngày 17/6/2020. Nhà đầu tư có trách nhiệm liên hệ đến sở, ngành liên quan để được hướng dẫn các trình tự, thủ tục về lĩnh vực đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường và đầu tư dự án theo đúng quy định; thực hiện dự án theo đúng quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Đồng thời, thực hiện định kỳ chế độ báo cáo thực hiện dự án trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư trong từng quý, năm. Biểu mẫu báo cáo được quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 9/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp theo quy định tại khoản 2, Điều 48 Luật Đầu tư ngày 17/6/2020.

UBND tỉnh Hậu Giang giao Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Giám đốc Sở: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Hiện tại, Masan có hơn 30 nhà máy sản xuất sản phẩm hàng tiêu dùng trên cả nước, tập trung ở các tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Long An, Đồng Nai,… Riêng tại Hậu Giang, Masan có hai cụm nhà máy, gồm nhà máy bia Masan và trung tâm công nghiệp thực phẩm miền Tây 1 với số vốn 2.700 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý I/2022, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Masan đạt 18.189 tỷ đồng, giảm 8,9% so với cùng kỳ do tác động của việc ngừng hợp nhất thức ăn chăn nuôi. Lãi sau thuế tăng 452%, lên 1.895 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.596 tỷ đồng, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn của tập đoàn tại cuối kỳ hơn 12.900 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/10 trong tổng tài sản 124.284 tỷ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Trong quý 1/2024, Grab ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh và khoản lỗ được thu hẹp. Hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều có cải thiện, nhờ lượng khách du lịch tăng cao trong các đợt lễ hội và các buổi hòa nhạc lớn ở khu vực Đông Nam Á.