Chiêm ngưỡng phương án đạt giải nhất thiết kế kiến trúc cầu Thượng Cát

Hạ Tầng HÀ NỘI
09:22 - 26/01/2024
0:00 / 0:00
0:00
UBND TP Hà Nội vừa tổ chức Lễ công bố và trao giải Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu. Giải Nhất được trao cho phương án thiết kế mang tên: Cánh chim Hòa Bình.

Cầu Thượng Cát nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh, được xây dựng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giảm thiểu ùn tắc, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc lựa chọn được phương án là bước quan trọng trong việc thực hiện dự án.

Vị trí cầu Thượng Cát kết nối hai bờ Nam - Bắc sông Hồng. Nguồn: UBND TP Hà Nội.

Vị trí cầu Thượng Cát kết nối hai bờ Nam - Bắc sông Hồng. Nguồn: UBND TP Hà Nội.

Phương án thiết kế "Cánh chim Hòa Bình" do Liên danh Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải và CTCP kiến trúc Lập Phương (Liên danh TEDI-CUBIC) thực hiện.

Phối cảnh tổng thể phương án thiết kế "Cánh chim Hòa Bình".

Phối cảnh tổng thể phương án thiết kế "Cánh chim Hòa Bình".

Cầu chính gồm 4 nhịp sử dụng kết cấu dây văng, sơ đồ nhịp cầu chính là: 100+2×200+100, L = 600m.

3 trụ cầu được thiết kế chiều cao 60-80m, tượng trưng cho hình tượng những cánh chim đang tung cánh trên bầu trời, thể hiện cho tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thành phố phát triển đi lên. Phần trụ có hình chữ H biểu trưng cho Hà Nội.

Mặt cắt ngang cầu chính B=37,4m. Số làn giao thông gồm: 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.

Đường dẫn đầu cầu phía Đông Anh.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố và trao giải cuộc thi chiều 25/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá cao sự phối hợp giữa Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các đơn vị liên quan đã khẩn trương tổ chức cuộc thi tuyển thiết kế và hoàn thành việc lựa chọn đơn vị trúng tuyển phương án thiết kế cầu Thượng Cát.

Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát giúp đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến đường Vành đai 3,5; giúp giảm tải lưu lượng cho tuyến đường 70, đường Vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn Thủ đô; đảm bảo hài hòa quy hoạch cảnh quan xung quanh và hai bờ sông Hồng, kết nối các khu vực Nam và Bắc sông Hồng, các quận huyện Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Đông Anh.

“Sau khi có kết quả hôm nay, đề nghị các chủ đầu tư thực hiện dự án thành phần về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu theo quy định hiện hành. Dự kiến sẽ tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu vào dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024)”, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết.

Trước đó, hồi tháng 12/2023, dự án cầu Thượng Cát đã được HĐND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng, với tổng chiều dài 5,22km. Trong đó, chiều dài cầu 4,06km, cầu chính vượt sông Hồng dài 600m; hai đầu dẫn Bắc, Nam dài tổng cộng hơn 3,4km.

Tổng vốn đầu tư xây dựng cầu hơn 8.000 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.