Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng trưởng từ 6-6,5%

CHÍNH SÁCH Việt nAM
22:13 - 20/10/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày trước Quốc hội báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Ngày 20/10, trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Theo người đứng đầu Chính phủ, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương buộc chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cũng vì đại dịch, sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù vậy, Thủ tướng khẳng định chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng và rất đáng khích lệ.

Những thành tựu tích cực

Thủ tướng cho biết sau khi nâng cấp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, một lực lượng lớn chưa từng có đã được điều động trong thời gian rất ngắn (khoảng 300.000 người) để hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, gồm TP.HCM và các tỉnh có dịch.

Bên cạnh đó, công tác ngoại giao vaccine được đẩy mạnh, góp phần vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay với tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

“Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì phù hợp ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh; hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.

Chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở. Hầu hết vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vaccine trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu.” Thủ tướng cho biết.

Do đó, trong năm 2022, mục tiêu của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV

Khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV

Cụ thể, mục tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP là khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Chính phủ cũng đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, trong đó ưu tiên hàng đầu là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Theo báo cáo của Thủ tướng thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội, ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Thu NSNN 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán (4% GDP). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt khoảng 35% GDP.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 9 tháng đạt trên 240 tỷ USD, cả năm ước tăng khoảng 10,7%. Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; phấn đấu đến cuối năm có khoảng 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khá; an ninh năng lượng được bảo đảm. Tiếp tục triển khai nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia.

Vẫn trập trùng khó khăn

Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn đang bủa vây nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, từ đó để chỉ ra những điểm mà Chính phủ sẽ kiên quyết thực hiện đảm bảo ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, sức phát triển của nền kinh tế cũng như đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của người dân và cộng đồng.

Trong năm 2021, do những tác động bất lợi của đợt dịch lần thứ 4, dự kiến sẽ có 4/12 chỉ tiêu KTXH chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý III giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%.

Thủ tướng đã chỉ ra hàng loạt những vấn đề đang phải đối mặt như kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc, tiếp tục xu hướng nhập siêu; xuất nhập khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường. Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động. Thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi. Khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách. Lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong các khu cách ly, phong tỏa, các địa bàn tâm dịch. Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng. Đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội kéo dài. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức khá cao (mặc dù thấp hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Khu vực sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh

Khu vực sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh

Thủ tướng nhận định, cơ cấu giữa các ngành, lĩnh vực và nội ngành, lĩnh vực chuyển dịch chậm; khu vực công nghiệp, dịch vụ gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm còn hạn chế. Cổ phần hóa DNNN chưa đạt tiến độ. Việc xử lý các ngân hàng yếu kém và các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; đang đề xuất cấp có thẩm quyền xin cơ chế xử lý 2 ngân hàng thương mại yếu kém và 5 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. Công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch còn chậm.

Theo Thủ tướng, những tồn tại, hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan cơ bản là do dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề, khiến 23 địa phương phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội trong thời gian dài, trong đó có các trung tâm kinh tế, vùng động lực tăng trưởng. Đồng thời, còn có các yếu tố từ bên ngoài như: chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao; việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, máy móc, thiết bị nhập khẩu bị gián đoạn. Dòng vốn đầu tư toàn cầu phục hồi chậm đã ảnh hưởng đến tình hình thu hút FDI.

Những nỗ lực vượt qua gian khó

Thủ tướng khẳng định, trước mắt, trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ sẽ tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.

Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; rà soát, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về thể chế; giảm thiểu các thủ tục và chi phí sản xuất kinh doanh.

Chính phủ sẽ tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng cũng lưu ý tập trung ưu tiên triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt.

Theo đó, quan điểm của Đảng là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển KTXH, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân; bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, thông suốt, trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương.

Tin liên quan

Đọc tiếp