Chủ tịch Quốc hội sốt ruột việc lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai vẫn 'im lìm'

Đất Đai Việt nAM
16:11 - 14/02/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Từ thực tế việc sửa Luật Khám chữa bệnh đã triển khai "vất vả", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong sửa Luật Đất đai khi hoạt động này đã bước vào giai đoạn "sát sườn".

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 20, Quốc hội khoá XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/2 cho ý kiến tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV, đều diễn ra trong tháng 1/2023.

Điểm lại một số kết quả chủ yếu của kỳ họp thứ hai, liên quan đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền khám bệnh, chữa bệnh của người dân, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, định hướng công tác quản lý, sự phát triển trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nên đã được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện tại 3 kỳ họp.

Tuy nhiên, đây cũng là dự án luật đã không được thông qua đúng chương trình và nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về Hội đồng y khoa quốc gia, tự chủ bệnh viện...

Nhìn lại cả quá trình xây dựng luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề tại sao công tác chuẩn bị cho Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) lại diễn ra khó khăn như vậy.

"Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội không xắn tay vào thì làm sao mà trình Quốc hội thông qua được. Thế cái gì cần rút kinh nghiệm ở đây, vào thời điểm cốt tử mà hội đồng y khoa quốc gia, bốn cấp thành ba tuyến khám chữa bệnh, rồi tự chủ bệnh viện vẫn ngổn ngang... Cần nghiêm túc nhìn nhận xem Chính phủ đã đầu tư công sức chuẩn bị luật đủ chưa", Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan rút kinh nghiệm về công tác chuẩn bị nội dung, tiến độ công việc, thời hạn gửi hồ sơ, tài liệu, việc đầu tư công sức, quy trình công việc của các cơ quan, đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật để kỳ họp diễn ra hiệu quả, đạt chất lượng cao.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những kinh nghiệm từ việc chuẩn bị này là rất cần thiết trong việc triển khai công việc quan trọng sắp tới, nhất là đối với việc xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề cập nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất trong năm 2023 là sửa Luật Đất đai. Ông bày tỏ sốt ruột khi việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật này vẫn "im lìm", trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải chủ động kéo dài thời gian đến 15/3.

"Sửa Luật Đất đai mà cũng vận hành như Luật Khám, chữa bệnh thì vất vả lắm vì luật này khó hơn nhiều. Vậy nút thắt thể chế là gì, chính sách hiện nay sơ hở cái gì?", Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Người đứng đầu Quốc hội cũng lưu ý trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong sửa Luật Đất đai, hiện nay đã là giai đoạn sát sườn nên đi thẳng góp ý vào các điều luật và không nên nói nhiều về nguyên tắc, mục tiêu xây dựng luật.

Chương trình Kỳ họp thứ 20, Quốc hội khoá XV ngày 14/2. Ảnh: Quochoi.vn

Chương trình Kỳ họp thứ 20, Quốc hội khoá XV ngày 14/2. Ảnh: Quochoi.vn

Lấy ý kiến nhân dân cho Dự thảo Luật Đất đai đang đi vào giai đoạn nước rút

Việc lấy ý kiến nhân dân góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - một dự án luật rất quan trọng, liên quan tới hàng loạt lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, đang đi vào giai đoạn nước rút.

Trong đó, các vấn đề được quan tâm, tập trung nhiều ý kiến nhất xung quanh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục là các nội dung: Bỏ khung giá đất, cách tính giá đất theo giá thị trường, vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội kỳ vọng, lần sửa đổi Luật Đất đai này sẽ giải quyết đồng bộ các vấn đề trên thị trường bất động sản. Bởi lẽ việc đầu tư xây dựng dự án có rất nhiều khâu, nếu chỉ thực thi được một công đoạn vẫn không giải toả được điểm nghẽn.

Qua báo cáo mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, tiến độ triển khai lấy ý kiến nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), yêu cầu Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tin liên quan

Đọc tiếp