Chủ tịch Vương Đình Huệ làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Huế Tỉnh ủy
20:18 - 16/07/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Ảnh: TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 16/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023 và về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh.

Thừa Thiên Huế đã hoàn thành đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình trọng điểm

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được trong thời gian qua.

6 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,51% so với cùng kỳ, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2 sân bay Phú Bài; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế, cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng, cầu vượt sông Hương, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2.

Tỉnh đã cơ bản di dời các hộ dân, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế.

Đặc biệt, công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ số PCI năm 2022 xếp vị thứ 6, tăng 2 bậc so với năm 2021. Chỉ số PAPI xếp vị thứ 5. PAR-INDEX xếp thứ 19. Chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả đáng khen ngợi, xây dựng đô thị thông minh hiệu quả.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội có chuyển biến tích cực. Thừa Thiên Huế đang dần trở thành một trung tâm văn hóa lớn đặc sắc của cả nước hướng đến đô thị "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh".

Tỉnh đã tập trung triển khai Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đến nay, bộ máy của các cơ quan tổ chức, đơn vị, địa phương đã hoạt động ổn định, bảo đảm duy trì hoạt động hành chính tại các địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn...

Xây dựng Thừa Thiên Huế là trung tâm khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ giữa nhiệm kỳ. Tỉnh cần tập trung hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng, hướng tới xây dựng Thừa Thiên Huế vào năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc xây dựng Thừa Thiên Huế là điểm đến an toàn, thân thiện, "xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng" vào năm 2050 theo hướng "di sản thì nghìn năm nhưng thành phố thì trẻ".

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc xây dựng Thừa Thiên Huế là điểm đến an toàn, thân thiện, "xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng". Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc xây dựng Thừa Thiên Huế là điểm đến an toàn, thân thiện, "xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng". Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế vào năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng, một trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu.

Đồng thời, tỉnh là trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung.

Đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thừa Thiên Huế rà soát công tác xây dựng đề án, đồng thời với việc đưa A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, của HĐND các cấp.

Đồng thời, đóng góp có hiệu quả đối với công tác lập pháp của Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, quan tâm những chương trình hoạt động của Quốc hội, nhất là chuyên đề giám sát của Quốc hội trong năm 2023 - 2024; tham gia hiệu quả, đóng góp tích cực, chất lượng tại các kỳ họp sắp tới, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Thừa Thiên Huế cần thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá; xây dựng thế trận lòng dân thực sự vững chắc, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, không để bị động, bất ngờ.

Với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, sau khi nghe ý kiến của đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành tham gia đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội tổng hợp gửi tới các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp