Chứng khoán Mỹ giảm trước quan ngại giá dầu tăng vọt và lạm phát

CHỨNG KHOÁN THẾ GIỚI
08:52 - 12/10/2021
Chứng khoán Mỹ giảm trước quan ngại giá dầu tăng vọt và lạm phát
0:00 / 0:00
0:00
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần khi nhà đầu tư quan ngại về tình trạng giá dầu tăng vọt và nguy cơ khủng hoảng năng lượng phủ bóng toàn cầu.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 250,19 điểm, tương đương 0,7%, đóng cửa ở mức 34.496,06 điểm. S&P 500 giảm 0,7% xuống 4.361,19 điểm trong khi Nasdaq Composite giảm 0,6% xuống 14.486,20 điểm.

Dow Jones giảm 250,19 điểm, đóng cửa ở mức 34.496,06 điểm tại thời điểm chốt phiên giao dịch 11/10 (Ảnh: CNBC)

Dow Jones giảm 250,19 điểm, đóng cửa ở mức 34.496,06 điểm tại thời điểm chốt phiên giao dịch 11/10 (Ảnh: CNBC)

Các chỉ số dao động trong suốt phiên giao dịch nhưng xu thế bán thảo bất ngờ áp đảo trong những giờ cuối cùng trước khi chốt phiên, đưa cả ba chỉ số xuống mức thấp hơn đầu giờ.

Lo Toney, chuyên gia quản lý của Plexo Capital nhận định: “Những gì chúng tôi thấy ngay lúc này là thị trường đang nỗ lực vật lộn và hấp thụ những quan ngại ngay lúc này… Sẽ cần một chút thời gian để mọi thứ ổn định trở lại”.

Giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ có thời điểm tăng vọt lên mức 82 USD/ thùng trước khi chốt phiên ở mức quanh 80 USD/ thùng. Giá cả tăng vọt làm trầm trọng thêm hàng loạt quan ngại về nguy cơ lạm phát vượt ước tính của các nhà phân tích và không phải hiện tượng nhất thời như các quan chức tài chính dự báo.

“Trong quá khứ, giá năng lượng tăng cao hoặc tăng quá nhanh đã gây ra những cuộc suy thoái. Có khả năng lịch sử sẽ lặp lại nếu giá năng lượng tiếp tục cao hơn dẫn đến thu nhập khả dụng của người tiêu dùng giảm đi” - chuyên gia phân tích Neil Beveridge của Bernstein cho biết trong một ghi chú hôm 11/10.

Goldman Sachs mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ 5,7% trong năm 2021 xuống 5,6% và từ 4,4% năm 2022 xuống 4%. Nguyên nhân chính là do nguy cơ hết hạn gói ngân sách mà Quốc hội Mỹ phê duyệt để duy trì hoạt động của chính phủ cũng như sự phục hồi chậm hơn dự kiến của chi tiêu tiêu dùng, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ.

Nhà kinh tế Joseph Briggs của Goldman cho biết: “Đối với các hoạt động giải trí như xem phim, có nhiều dự đoán rằng, chi tiêu không thể khôi phục về mức bình thường trong ít nhất 6 tháng nữa. Điều này nghĩa là việc bình thường hóa hoàn toàn hoạt động kinh tế sẽ cần thời gian”.

Trong tuần này, các ngân hàng lớn sẽ bắt đầu công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý III. JPMorgan dự kiến công bố báo cáo vào thứ Tư, tiếp theo là loạt ngân hàng Goldman Sachs, Bank of America, Morgan Stanley, Wells Fargo và Citigroup.

Delta Airlines và Walgreens Boots Alliance cũng dự kiến công bố báo cáo quý III trong tuần này.

Các nhà phân tích ước tính các doanh nghiệp trong S&P 500 có thể báo cáo tăng trưởng lợi nhuận khoảng 27,6% trong quý III, tốc độ tăng trưởng cao thứ ba kể từ năm 2010 đến nay khi nền kinh tế lớn nhất hành tinh phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch./.

Tin liên quan

Đọc tiếp