Chứng khoán tuần qua: Cổ phiếu ngân hàng hút dòng tiền, một mã tăng gần 23%

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
09:36 - 20/03/2022
Nhóm "cổ phiếu vua" đã trở lại đường đua trong tuần vừa qua.
Nhóm "cổ phiếu vua" đã trở lại đường đua trong tuần vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) dẫn đầu tăng giá toàn ngành với mức 22,7%. Còn STB (Sacombank) là tâm điểm mua ròng của khối ngoại với giá trị hơn 500 tỷ đồng.

Sau 1 tuần giao dịch tiêu cực, chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục trong tuần qua với 4/5 phiên tăng giá. VN-Index kết phiên thứ Sáu ở mức 1.469 điểm; HNX-Index ở mức 451.21 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng nhẹ tổng cộng 2,5 điểm (+0,17%), trong khi đó HNX-Index tăng tổng cộng 9 điểm (+2,04%).

Tuy tăng điểm nhưng giao dịch trong các phiên lại khá ảm đạm khi dòng tiền vào yếu, thanh khoản trung bình ở mức 25.000 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình trước đây khá nhiều. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE hơn 686 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 18,8% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 103 triệu cổ phiếu/phiên, giảm mạnh 26,5%.

Thanh khoản thấp do tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước 3 sự kiện quan trọng trong tuần là FED công bố tăng lãi suất, phiên đáo hạn phái sinh và các quỹ ETF cơ cấu danh mục. Việc FED chỉ tăng lãi suất 0,25% cùng phiên đáo hạn phái sinh và cơ cấu danh mục các quỹ diễn ra êm đềm đã cởi bỏ được tâm lý lo lắng, giúp thanh khoản tăng vọt vào phiên thứ Sáu. Đây cũng là phiên VN-Index tăng điểm mạnh nhất.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau một tuần “ghìm chân” VN-Index đã quay trở lại hỗ trợ chỉ số, với 5 cổ phiếu nằm trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất. Dẫn đầu là BID với gần 2,8 điểm, theo sau lần lượt là VCB, CTG, MBB, STB. Tổng cộng, 5 cổ phiếu này đã kéo tăng gần 5,3 điểm cho VN-Index.

KLB của KienlongBank là mã tăng mạnh nhất toàn ngành với tỷ lệ +22,7%, thiết lập đỉnh lịch sử mới tại mốc 40.000 đồng/cp. Trong đó, riêng hai phiên đầu tiên của tuần, cổ phiếu này đều tăng kịch trần với thanh khoản đột biến. Thanh khoản cả tuần của KLB đạt hơn 76 triệu đơn vị (gấp đôi tuần trước). Đáng chú ý trong phiên 16/3, cổ phiếu này xuất hiện giao dịch thỏa thuận gần 47 triệu đơn vị, tương đương giá trị gần 1.052 tỷ đồng tại giá 22.400 đồng/cp.

Cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân cũng ghi nhận mức tăng đáng chú ý +7,8%. Còn lại, ngoài BID tăng 4,9% thì các mã khác có mức tăng từ 0,3 - 3% sau 5 phiên giao dịch. Ở chiều ngược lại, hai mã giảm giá trong tuần qua là VBB và VPB với mức giảm lần lượt là 2,4% và 0,4%.

Không chỉ tăng giá, cổ phiếu ngân hàng còn được khối ngoại gom mua nhiều trong tuần. Trong đó STB của Sacombank đạt giá trị mua ròng dẫn đầu toàn thị trường với 536 tỷ đồng, gấp 5 lần so với giao dịch tuần trước. Theo ghi nhận, mã này được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cả 5/5 phiên và luôn đứng đầu danh sách những cổ phiếu được gom nhiều nhất. Hai mã ngân hàng cũng được khối ngoại tích cực gom mua là VPB (142 tỷ đồng) và CTG (99 tỷ đồng).

Bên cạnh ngân hàng, nhóm bất động sản và xây dựng cũng có một tuần giao dịch tích cực. Trên HoSE, BCM hỗ trợ chỉ số nhiều nhất với gần 1 điểm kéo tăng; DIG, VRE cũng cũng có đóng góp đáng kể. Còn tại sàn HNX, đầu kéo chính của chỉ số trong tuần qua là HUT với gần 3,6 điểm kéo tăng, tạo cách biệt lớn với CEO xếp sau với gần 1,4 điểm. HUT có mức tăng giá ấn tượng 27% so với cuối tuần trước, lên 46.700 đồng/cp. Đáng chú ý trong nhóm này còn có FLC, sau một thời gian lình xình ở mức giá 12.000 đồng/cp đã tăng lên 14.000 đồng/cp, với một phiên tăng trần.

Trong khi phía kéo tăng chứng kiến sự áp đảo của hai nhóm trên thì phía kéo giảm lại ghi nhận sự đa dạng từ nhiều nhóm ngành, có thể kể đến như GAS, PLX từ nhóm dầu khí; HPG từ nhóm thép; MSN từ nhóm bán lẻ; VNM, SAB từ nhóm thực phẩm - đồ uống; DPM, DCM từ nhóm phân bón; GVR từ nhóm cao su. Trong đó, GAS ảnh hưởng tiêu cực nhất trong tuần qua khi làm mất gần 1,7 điểm của chỉ số.

Nhóm dầu khí sau thời gian bay cao đã có một tuần giao dịch chìm trong sắc đỏ, tỷ lệ giảm lên tới 4,46%. PVS giảm 5,7%, OIL giảm 7,9%, PVB giảm 5,3%, BSR giảm 4,4%... Nguyên nhân là do giá dầu thô WTI tiếp tục sụt giảm, có thời điểm rớt khỏi mốc 100 USD/thùng.

Về giao dịch khối ngoại, động thái rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi họ bán ròng 1.169 tỷ đồng trên sàn HoSE trong tuần qua, tuy nhiên đã giảm đáng kể so với tuần trước đó. Tâm điểm bán ròng vẫn thuộc về các bluechip với sự dẫn dầu của MSN (gần 496 tỷ đồng). Theo sau là các mã VIC (444 tỷ đồng), NVL (355 tỷ đồng), HPG 344 tỷ đồng) và VHM (247,5 tỷ đồng)…

Ở chiều mua, ngoài các cổ phiếu ngân hàng như đã nói ở trên thì dòng tiền khối ngoại còn hướng đến cổ phiếu FPT với giá trị mua 328 tỷ đồng. Sau một tuần giảm giá, FPT nhanh chóng quay lại chiều tăng với tỷ lệ +4,3%. Tuần qua, “mã con” của FPT là FRT cũng tăng mạnh và lập đỉnh lịch sử tại mức giá 145.800 đồng/cp.

Mặc dù cổ phiếu nhóm hàng hoá nói chung và phân đạm nói riêng đã bước vào giai đoạn điều chỉnh sau khi tăng nóng nhưng trong tuần qua, dòng tiền ngoại vẫn tiếp tục tìm đến DPM (221 tỷ đồng) và DCM (109 tỷ đồng).

Tuần tới có thể duy trì đà tăng

Theo Chứng khoán SSI, vùng kháng cự 1.470 điểm tiếp tục sẽ là thách thức cho chỉ số VN-Index trong các phiên tới. Trong trường hợp rủi ro bên ngoài gia tăng, khả năng chỉ số VN-Index xuyên thủng trở lại vùng hỗ trợ 1.450 - 1.445 điểm vẫn còn. Khi đó, VN-Index sẽ tạo đáy ngắn hạn quanh vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo nằm tại vùng 1.425 - 1.400 điểm.

Chứng khoán MB (MBS) thì nhận định, hiện tại một số nhóm cổ phiếu đã có mức hỗ trợ “cứng” như ngân hàng hoặc thép... Do vậy thị trường sẽ duy trì đà tăng trong tuần sau, với tâm điểm là những cổ phiếu bluechips thuộc các ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, đầu tư công… Tuy nhiên, MBS cũng cho rằng, vùng 1.470 điểm được coi là ngưỡng kháng cự mạnh và tại vùng này thị trường có thể xảy ra “rung lắc”.

Còn theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index vẫn chưa thể lấy lại được ngưỡng 1.470 điểm trong phiên cuối tuần trước áp lực bán từ các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục). Thanh khoản trong tuần qua suy giảm cũng cho thấy việc nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng ở thời điểm hiện tại nên vẫn chưa quay trở lại giải ngân mạnh mẽ hơn.

Những điều này có thể sẽ được cải thiện trong tuần giao dịch tới khi mà căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể sẽ tiếp tục hạ nhiệt, cũng như việc Chính phủ đang nỗ lực trong việc thúc đẩy giải ngân sớm gói đầu tư công. Cùng đó, kết quả kinh doanh quý I/2022 của các doanh nghiệp có thể dần được hé lộ với những gam màu tích cực.

SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 21/3-25/3, VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục với mục tiêu lần lượt là ngưỡng kháng cự 1.470 điểm và xa hơn là vùng 1.480-1.485 điểm. “Các nhà đầu tư đã mua vào trong vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm trong hai phiên đầu tuần có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại”, SHS khuyến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp