Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc dự kiến đạt 77,5 tỷ USD vào cuối năm nay và hiện Hàn Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ).
Về xuất khẩu, Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 19,1 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, chỉ sau Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu ở mức 46,9 tỷ USD. Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc khoảng 27,8 tỷ USD.
Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc khá đa dạng, trong đó có 4 nhóm đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên (tính hết tháng 10) là: điện thoại và linh kiện đạt hơn 4 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,8 tỷ USD; dệt may đạt 2,46 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD.
Ngoài ra, các nhóm hàng nông nghiệp đáng chú ý như thủy sản đạt hơn 640 triệu USD; rau quả hơn 132 triệu USD…
Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết Hàn Quốc là một thị trường xuất khẩu quan trọng và còn nhiều tiềm năng đối với mặt hàng trái cây tươi và trái cây chế biến của Việt Nam với dung lượng thị trường khoảng 1,3 tỷ USD/năm.
Đến nay đã có 5 loại trái cây tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu chính thức vào thị trường Hàn Quốc, bao gồm: dừa, dứa, thanh long, xoài, chuối. Đặc biệt, chuối là loại trái cây được ưa chuộng tại Hàn Quốc.
Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa, chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu từ thị trường này. 10 tháng qua có tới 10 nhóm hàng nhập khẩu từ quốc gia này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 16 tỷ USD.
Các nhóm hàng lớn khác như: điện thoại và linh kiện 8,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,1 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu 1,9 tỷ USD…
Dù bị ảnh hưởng bởi làn sóng thứ 4 của dịch bệnh COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ, mức tăng trưởng còn vượt qua cả giai đoạn trước đại dịch.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) |
Ngoài ra, Hàn Quốc vẫn đang là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với tổng số dự án là 9.165 dự án. Lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang quan tâm đầu tư chủ yếu là sản xuất và chế tạo. Hiện có khoảng 79% doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất như Samsung, LG, Hyundai Motors...
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, Việt Nam có nhiều lợi thế tăng thị phần tại thị trường Hàn Quốc bởi có ưu thế thuế quan nhập khẩu thấp nhờ được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA).
Do vậy trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan của Việt Nam và Hàn Quốc để thúc đẩy phía Hàn Quốc mở cửa thị trường cho các loại trái cây khác của Việt Nam cũng như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường Hàn Quốc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Hàn Quốc còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển bởi khoảng cách địa lý gần gũi, thị hiếu người tiêu dùng tương đồng, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu mang tính chất bổ sung cho nhau.
Đặc biệt là sự tích cực của cả hai bên trong tham gia các hiệp định thương mại tự do và nhất là sự kết nối ngày càng chặt chẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương để triển khai các nhiệm vụ cụ thể cũng như triển khai chương trình hành động thực hiện mục tiêu thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2023.
Mặt khác, hai bên cũng sẽ thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng Việt Nam - Hàn Quốc cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là lĩnh vực điện, khi các doanh nghiệp Hàn Quốc đã trúng thầu gần 10 dự án điện ở Việt Nam.
Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc và tổ chức định kỳ Đối thoại giữa Bộ trưởng Công Thương Việt Nam với doanh nghiệp Hàn Quốc.