Cổ phiếu bất động sản giúp VN-Index phục hồi nhẹ, EIB tiếp tục bứt phá

EXIMBANK VN INDEX
16:10 - 15/09/2022
VN-Index giao dịch tích cực trong biên độ hẹp.
VN-Index giao dịch tích cực trong biên độ hẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Sau một thời gian im ắng bị các nhóm khác “vượt mặt”, nhóm bất động sản đang cho thấy tín hiệu dòng tiền đổ vào. Bộ ba nhà Vingroup hợp lực tăng giá giúp đóng góp lớn cho chiều tăng của chỉ số, trong khi cổ phiếu của Becamex IDC tím trần.

VN-Index hôm nay giao dịch tích cực từ phiên sáng, tuy nhiên thanh khoản thấp (hơn 11.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn) nên biên độ tăng bị bó hẹp. Kết phiên, chỉ số sàn HoSE tăng gần 5 điểm so với hôm qua, đứng ở mốc 1.245,66 điểm. HNX-Index và UPCoM cũng chỉ tăng nhẹ.

Thị trường được chống đỡ từ sự vươn lên của nhóm bất động sản. Bộ ba nhà Vingroup là VIC, VHM, VRE đều kết phiên trong sắc xanh dù biên độ tăng không lớn, chỉ trên dưới 1%. Nhiều mã lớn khác cũng ở chiều tăng giá như NVL, REE, SSH, PDR, THD, SNZ, BCG…

Xuất sắc nhất là mã BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) khi tăng hết biên độ. Cổ phiếu này hiện đã chinh phục mức đỉnh mới là 97.900 đồng. Từ đầu tháng 7 đến nay, BCM tăng 65%.

Cổ phiếu của Becamex IDC nằm trong nhóm bất động sản khu công nghiệp đang nhận được sự quan tâm thời gian qua. Ngoài triển vọng ngành thì kết quả kinh doanh của BCM trong quý 2 vừa qua cũng khiến nhà đầu tư hào hứng.

Cụ thể, Becamex ghi nhận doanh thu đạt 1.136 tỷ đồng, giảm 15,6% so với cùng kỳ; lãi sau thuế hơn 415 tỷ đồng, tăng đến 150% so với mức 166 tỷ trong quý 2/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 2.262 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế tăng 61,5% lên mức 725 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh khả quan, BCM vừa chi 200 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn vào ngày 31/8. Theo đó, khối lượng trái phiếu lưu hành giảm từ 1.800 tỷ đồng về 1.600 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu có tổng khối lượng 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, ngày phát hành là 31/8/2020 và ngày đáo hạn là 31/8/2025. Như vậy, tổng cộng 400 tỷ đồng trái phiếu đã được Becamex mua lại.

Giao dịch của khối ngoại trên sàn HoSE trong phiên 15/9, họ bán ròng hơn 300 tỷ đồng.

Giao dịch của khối ngoại trên sàn HoSE trong phiên 15/9, họ bán ròng hơn 300 tỷ đồng.

Bên cạnh nhóm bất động sản thì nhóm cổ phiếu nhựa – hóa chất, thủy sản, bán lẻ, bảo hiểm – kho bãi, xây dựng, công nghệ thông tin… cũng ở chiều tăng giá. Tuy nhiên, tỷ lệ dao động của các mã đều trong biên độ hẹp nên vốn hóa toàn nhóm cũng không cải thiện là bao.

Ngược lại, dầu khí là nhóm giao dịch tiêu cực nhất. Các mã tăng nóng những phiên trước như PVC, PVD, PVS, PVB đều quay đầu điều chỉnh. Trong khi đó, BSR lại đi ngược với tỷ lệ +1,7%.

Nhóm ngân hàng đứng ở ngưỡng tham chiếu. BID tác động tiêu cực nhất khi giảm 2,1%, còn lại giảm mạnh nhất cũng chỉ ở mức 1,4%, thuộc về NAB. Chiều tăng vẫn ghi nhận sự bứt phá của EIB (Eximbank) với mức tăng sát trần (+6,8%). Trong phiên hôm qua, đây cũng là mã bank duy nhất tăng giá ngoạn mục hết biên độ. Thông tin Eximbank được tăng vốn điều lệ sau 10 năm đã kích hoạt tâm lý lạc quan của nhà đầu tư.

Thực tế trong 6 tháng đầu năm 2022, Eximbank đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng với 1.903 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ và đạt 76% kế hoạch năm. Đây là lần đầu tiên Eximbank tạo ra được con số lợi nhuận nghìn tỷ chỉ trong 2 quý đầu năm, kể từ 2013 tới nay. Trong gần 10 năm vừa qua, khi các ngân hàng bạn cùng quy mô bứt phá thì lợi nhuận của Eximbank chỉ quanh quẩn mức 1.000 tỷ mỗi năm.

Kết quả kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu 2022 bước đầu khẳng định cho lời hứa "đưa Eximbank trở lại quỹ đạo sau nhiều năm tụt hậu quá sâu" của bà Lương Thị Cẩm Tú - Chủ tịch Eximbank. Sau nhiều năm lục đục ở dàn nhân sự cấp thượng tầng, 2022 cũng là năm đầu tiên nhà băng này tổ chức đại hội cổ đông thành công và dàn xếp được bộ máy hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.