Cổ phiếu Meta giảm mạnh sau báo cáo doanh thu ảm đạm

CÔNG NGHỆ MỸ
12:15 - 27/10/2022
Cổ phiếu Meta Platforms sụt 20% sau khi tập đoàn công bố các dự báo ảm đạm cho tương lai. Ảnh: Reuters
Cổ phiếu Meta Platforms sụt 20% sau khi tập đoàn công bố các dự báo ảm đạm cho tương lai. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 26/10, Meta Platforms đưa ra dự báo doanh thu quý cuối năm 2022 u ám cùng dự báo chi phí hoạt động sẽ gia tăng đáng kể trong năm tới, khiến các nhà đầu tư hoài nghi và đẩy cổ phiếu của hãng sụt tới 20%.

Trong quý 3, Reuters trích dẫn dữ liệu IBES từ Refinitiv cho thấy doanh thu của Meta giảm 4% - một mức giảm mạnh hơn nhiều so với con số của quý trước đó là 0,9%. Tổng chi phí cho quý này đồng thời cũng cao hơn ước tính khi nằm ở ngưỡng 22,1 tỷ USD so với 18,6 tỷ USD của năm 2021.

Thu nhập ròng trong quý này cũng giảm xuống còn 4,40 tỷ USD, tương đương 1,64 USD / cổ phiếu và đồng thời đánh dấu quý thứ 4 liên tiếp giảm lợi nhuận và mức tồi tệ nhất kể từ năm 2019. Trong khi đó vào năm 2021, con số này từng nằm ở ngưỡng 9,19 tỷ USD, tương đương 3,22 USD / cổ phiếu.

Thêm vào đó, ước tính doanh thu quý 4 của tập đoàn cũng sẽ nằm trong khoảng 30 tỷ USD đến 32,5 tỷ USD - phần lớn thấp hơn ước tính của các chuyên gia là 32,2 tỷ USD theo dữ liệu của Refinitiv.

Về mặt chi phí cho năm sau, Meta đưa ra dự báo con số sẽ rơi vào khoảng 96 tỷ USD đến 101 tỷ USD, cao hơn nhiều so với ước tính sửa đổi cho năm 2022 là từ 85 tỷ USD đến 87 tỷ USD. Các khoản lỗ liên quan tới hoạt động của đơn vị Reality Labs – đơn vị chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư metaverse của tập đoàn – cũng sẽ tăng lên vào năm 2023, bổ sung thêm vào viễn cảnh tương lai không mấy sáng sủa của Meta.

Ngay sau khi công bố các dự báo này, 67 tỷ USD giá trị thị trường của Meta Platforms đã lập tức bốc hơi do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, gộp thêm vào hơn 500 tỷ USD giá trị đã bị mất của tập đoàn trong năm 2022 này. Việc cổ phiếu hôm 26/10 của tập đoàn sụt tới 20% đánh dấu mức giảm sâu nhất trong một ngày kể từ 2/2.

Theo Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg, ông hy vọng các khoản đầu tư này sẽ mất khoảng một thập kỷ để đem lại kết quả tích cực. Ông Zuckerberg cho rằng metaverse sẽ mang lại lợi nhuận theo thời gian, do đó ông “đánh giá cao sự kiên nhẫn”, đồng thời khẳng định “những người kiên nhẫn và đầu tư cho chúng tôi cuối cùng sẽ được đền đáp".

Tuy nhiên ở hiện tại, Meta vẫn đang phải tạm dừng việc tuyển dụng và bắt đầu tái tổ chức lại nhân sự để giữ cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình thu được lợi nhuận trong khi cắt giảm được chi phí.

Set kính Meta Quest 2 tập trung vào các trải nghiệm thực tế ảo của Meta. Ảnh: Meta

Set kính Meta Quest 2 tập trung vào các trải nghiệm thực tế ảo của Meta. Ảnh: Meta

Trong khi đó, Meta đang phải đối mặt với một nền kinh tế toàn cầu trì trệ, sự cạnh tranh từ Tik Tok, những thay đổi về quyền riêng tư từ Apple và đặc biệt là các lo ngại liên quan tới chi tiêu cho metaverse.

Đối với nhiều nhà đầu tư, tham vọng của ông Mark Zuckerberg còn được coi như xa rời thực tế và không có cơ sở. Theo các đầu tư này, tập đoàn đang thực hiện "quá nhiều vụ cá cược thử nghiệm" trong khi không thể đảm bảo rằng các thử nghiệm của mình sẽ thành công.

Dù vậy, không phải tất cả các tín hiệu từ Meta đều là tiêu cực. Theo ông Zuckerberg, số lượt sử dụng dịch vụ Reels – dịch vụ video ngắn tương tự như Tik Tok của Meta – hiện đạt hơn 140 tỷ trên cả Facebook và Instagram mỗi ngày. So với nửa năm trước, con số này đã tăng 50% với doanh thu là 3 tỷ USD mỗi năm.

Meta cũng ghi nhận số liệu tăng trưởng người dùng gần như phù hợp với kỳ vọng, bao gồm cả sự gia tăng số người dùng hoạt động hàng tháng trên Facebook.

Tuy nhiên theo ông Ben Barringer, nhà phân tích nghiên cứu cổ phiếu tại Quilter Cheviot, điều đáng lo ngại đối với Meta chính là các thách thức về chi phí cùng với việc đồng USD mạnh lên ảnh hưởng tới thu nhập từ các thị trường nước ngoài. Thêm vào đó, do doanh thu giảm vào thời điểm mà chi phí gia tăng đáng kể, việc người dùng tăng trưởng đáng kể sẽ không giúp tình hình cải thiện.

Đọc tiếp

Những "ngân hàng không ngủ"

Những "ngân hàng không ngủ"

Hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đều đang triển khai các chương trình chuyển đổi số, ở những mức độ khác nhau. Nâng cao trải nghiệm khách hàng là một trong những khâu có sự thay đổi mạnh mẽ và dễ nhận diện nhất.