Ảnh minh họa: VETC |
Theo VETC, giấy phép mới sẽ giúp hệ thống đảm bảo lợi ích và tăng tiện ích cho chủ tài khoản ETC. Bên cạnh chi trả phí giao thông, tài khoản ETC có thể được sử dụng để thanh toán bãi đỗ xe, phí cảng biển, cảng hàng không, xăng dầu… cũng như một số dịch vụ khác theo quy định.
Việc đầu tư, hoàn thiện các điều kiện theo giấy phép sẽ tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với giao dịch, số dư tài khoản ETC.
Bên cạnh tuân thủ quy định chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải về hoạt động ETC, VETC sẽ phải tuân thủ thêm các quy định giám sát của Ngân hàng Nhà nước về trung gian thanh toán, tính công khai minh bạch tài khoản ETC, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật.
VETC là đơn vị trung gian thanh toán không phải ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cấp phép từ đầu năm đến nay. Tính đến tháng 10/2022, cả nước có 48 đơn vị thuộc nhóm tổ chức tài chính này.
VETC cùng CTCP Giao thông số Việt Nam (VDTC, ePass) là hai nhà cung cấp dịch vụ ETC trên thị trường. Tuy nhiên, trên ứng dụng của VETC chưa tích hợp với ví điện tử nào, còn ePass đã có liên kết với một số ví.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Tasco (công ty mẹ của VETC), lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết mặc dù trong năm 2022, VETC lỗ khoảng 130 tỷ, nhưng đã giảm so với mức lỗ 260 tỷ của năm 2021. Dự kiến 2023 sẽ là năm đầu tiên thoát lỗ của VETC và có lãi sau gần 7 năm hoạt động.
Để đạt được mục tiêu này, Tasco sẽ mở rộng dịch vụ gia tăng và tính năng thanh toán cho tài khoản giao thông, cung cấp dịch vụ ETC tại các cảng hàng không, bãi đỗ xe và thanh toán tại hệ thống cây xăng trên toàn quốc.
Theo Tasco, VETC nắm một nửa thị phần cả nước về số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng và chiếm hơn 80% thị phần nếu tính riêng lượng xe có phát sinh giao dịch thu phí không dừng. Bình quân một ngày, hệ thống VETC có 1 triệu giao dịch, và ngày cao điểm lên tới 1,7 triệu giao dịch.