Cổ phiếu thép tưng bừng sau tin vui từ Hòa Phát

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
17:42 - 08/02/2022
Thép cuộn cán nóng là "át chủ bài" của Hòa Phát trong cạnh tranh ngành thép.
Thép cuộn cán nóng là "át chủ bài" của Hòa Phát trong cạnh tranh ngành thép.
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm cổ phiếu thép hôm nay đều tăng kịch trần hoặc sát trần, ngay sau thông tin Tập đoàn Hoà Phát sẽ xuất khẩu 35.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên sang thị trường Italia vào giữa tháng 2/2022.

Nỗ lực lấy lại mốc 1.500 điểm của VN-Index đã thành công trong phiên hôm nay (8/2). Trong đó, sự đóng góp của nhóm thép và ngân hàng là chủ chốt. Riêng thép thực sự có một phiên thăng hoa khi sắc tím bao trùm lên hàng loạt mã HSG, NKG, TIS, SMC, POM, TLH. Ngay cả anh cả HPG cũng tăng tới 5,8% trong phiên, qua đó trở thành "công thần" lớn nhất đóng góp gần 3 điểm tăng cho VN-Index.

Cổ phiếu thép bứt phá ngay sau khi Hoà Phát thông tin về việc xuất khẩu thép cuộn cán nóng sang thị trường châu Âu. Đây là sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền luyện đúc cán liên tục hiện đại của châu Âu, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thế giới như ASTM, JIS, GB/T. HRC được dùng làm nguyên liệu sản xuất các loại ống thép, tôn lợp và các sản phẩm đặc thù khác như vỏ container…

Năm 2021, Hoà Phát đã cung ứng ra thị trường hơn 2,6 triệu tấn thép HRC, trong đó xuất khẩu khoảng 30.000 tấn. Tập đoàn cho biết đang ưu tiên tối đa sản phẩm HRC cho thị trường trong nước do Việt Nam còn thiếu hàng triệu tấn mỗi năm. Đây cũng là động lực để Hòa Phát đẩy mạnh triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng với công suất 5,6 triệu tấn/năm.

Không được rực rỡ như nhóm thép nhưng nhóm ngân hàng cũng hút được dòng tiền tốt. Hàng loạt mã bank đổ xanh như VPB, TCB, ACB, SAB, OCB, VAB, VBB, TPB, STB, MSB... Mặc dù vậy, tỷ lệ tăng không cao, mạnh nhất là 3,8% thuộc về OCB. Trong nhóm này, VPB đang nhận được sự chú ý sau khi đối tác chiến lược của Eximbank là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) chấm dứt thỏa thuận hợp tác. Trước đó, đã rầm rộ tin đồn về việc SMBC sẽ chuyển hướng đầu tư vào VPBank.

Nhóm xây dựng & bất động sản, dầu khí và chứng khoán lại có phiên giao dịch kém tích cực. Sau phiên khai xuân từng bừng, hàng loạt mã bất động sản và xây dựng lại nằm sàn như CEO, DIG, L14, HBC, NBB, CII, HDC, DRH, NHA… FLC và ROS vẫn giữ được đà tăng nhưng giá trị thay đổi chỉ hơn 2%. Đáng chú ý, các “anh cả” của nhóm như VIC, VHM, NVL, PDR, KDH đều đổ đỏ. Trong đó, VIC tiếp tục là gánh nặng cho VN-Index khi giảm tới 4,3%; đồng thời chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại với giá trị 290 tỷ đồng.

Nhóm chứng khoán phân hóa rõ rệt. Chiều tăng có AGR, APS, BCG, BMS, BSI, BVS, CTS, EVF, EVS, FTS, HAC, HCM, MBS, SHS, TCI, TVB, TVC, VCI. Trong đó tăng mạnh nhất là EVS và HAC với 4,3% và 4%. Ở chiều ngược lại, PHS bị “bốc hơi” thị giá nhiều nhất với 14,4%. Các mã giảm nhiều khác là DSC (-5,1%), VFS (-3,2%), VIG (-3%), ART (-2,8%)…

Nhóm dầu khí thì chỉ còn PLX, POS và PTV giữ được sắc xanh, còn lại đều ở chiều giảm nhưng tỷ lệ thay đổi không lớn lắm.

Nhóm vận tải và kho bãi sau phiên tưng bừng hôm qua thì hôm nay cũng hạ nhiệt. Đa số các mã đứng giá. Số mã tăng giá nhiều hơn giảm giá nhưng tỷ lệ thay đổi trung bình cũng chỉ 1-2%.

VN-Index đóng cửa với 282 mã tăng và 169 mã giảm, tăng 3,33 điểm lên 1.500,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 735 triệu đơn vị, giá trị hơn 22.556 tỷ đồng, tăng lần lượt 27% và 25% so với phiên 7/2. HNX-Index có 131 mã tăng và 98 mã giảm, giảm 1,4 điểm xuống 417.89 điểm.

Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 73,55 triệu đơn vị, giá trị 1.923 tỷ đồng, tăng 41% và 27% so với phiên 7/2. Sàn UPCoM có 209 mã tăng và 117 mã giảm, tăng 0,76 điểm lên 111.52. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 49,26 triệu đơn vị, giá trị 1.122 tỷ đồng, giảm 4% và 3% so với phiên 7/2.

Tin liên quan

Đọc tiếp