Dấu hiệu bong bóng chứng khoán Mỹ xì hơi và cảnh báo cho nhà đầu tư Việt

CHỨNG KHOÁN THẾ GIỚI
21:12 - 22/01/2022
Dấu hiệu bong bóng chứng khoán Mỹ xì hơi và cảnh báo cho nhà đầu tư Việt
0:00 / 0:00
0:00
Bên kia bán cầu, chứng khoán Mỹ liên tục đỏ sàn, nhiều nhóm cổ phiếu rơi vào vòng điều chỉnh khi FED phát tín hiệu siết chính sách tiền tệ. Tại Việt Nam, chỉ riêng tuần qua, VN-Index mất hơn 23 điểm. Liệu TTCK có còn là kênh đầu tư vua trong năm nay?

DẤU HIỆU BONG BÓNG CHỨNG KHOÁN MỸ XÌ HƠI...

Nhà đầu tư kỳ cựu của phố Wall, ông Jeremy Grantham vừa đưa ra một lời cảnh báo thảm khốc, rằng sự xì hơi của bong bóng chứng khoán tại Mỹ sẽ đưa S&P 500 tụt mạnh 45%.

Sau một năm 2021 thăng hoa của chứng khoán, nếu cho rằng lời cảnh báo này quá hoang đường, hãy đọc những dòng khuyến nghị của Jeremy Grantham dưới đây.

“Trong một thị trường bong bóng, không ai muốn nghe cảnh báo về thị trường gấu (hiện tượng chứng khoán giảm liên tục với mức giảm mạnh, ít nhất 20%). Đó là sự phá bĩnh tồi tệ nhất với bữa tiệc. Những siêu bong bóng thường là trải nghiệm tài chính đáng nhớ trong đời, và tôi từng tham gia vào một “bữa tiệc” như thế hồi những năm 1968-1969.

Thời điểm đó, khoản tiền tôi kiếm được ước chừng gấp 7 lần toàn bộ học phí trong một năm học ở một trường đại học về kinh doanh. Cổ phiếu mà tôi giữ, American Raceways, đã tăng giá 3 lần trong khi tôi đang đi nghỉ dưỡng, sau đó tiếp tục cán mốc 100 USD vào dịp Giáng Sinh trước khi sụp đổ vào tháng 6 năm sau. Trong bữa tiệc ấy, pháo hoa đã nổ rực rỡ trước khi rơi xuống và tắt vụt.

Trải nghiệm khi đó dạy cho tôi bài học về sự thận trọng. Nó cũng giúp tôi dễ dàng thông cảm với quan điểm rằng những lời cảnh báo về cú nổ bong bóng luôn đến từ những người “cổ hủ”, không hiểu gì; bởi vì khi ấy, tôi cũng từng nhận được lời khuyên “cổ hủ” như vậy và tôi bỏ ngoài tai”.

Ảnh tác giảJeremy Grantham (10/1938) là nhà đầu tư huyền thoại người Anh, người đồng sáng lập công ty quản lý tài sản 45 năm tuổi GMO (trụ sở Boston, Mỹ). Ông là người từng dự báo về bong bóng chứng khoán Nhật Bản (1990), bong bóng dotcom (2000) và bong bóng nhà đất tại Mỹ (2008).

Theo cảnh báo của nhà đầu tư huyền thoại Jeremy Grantham, Mỹ đang tiến gần đến sự kết thúc của một giai đoạn siêu bong bóng trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến bất động sản, thậm chí là hàng hóa. Bong bóng được bơm phồng sau những gói kích thích khổng lồ mà Chính phủ Mỹ đưa ra trong suốt đại dịch COVID-19 vừa qua.

Và nguy cơ vỡ bóng có khả năng dẫn đến một đợt sụt giảm tài sản lớn nhất trong lịch sử một khi chủ nghĩa bi quan phủ bóng lên tâm lý nhà đầu tư. Cụ thể, S&P 500 có nguy cơ trượt xuống mốc 2.500 điểm, tức tụt 48% so với mức đỉnh mà chỉ số này xác lập đầu tháng 1 qua. Trong khi đó, Nasdaq Composite được dự báo sụt giảm mạnh mẽ hơn do áp lực của nhóm cổ phiếu công nghệ.

“Chúc may mắn, tất cả chúng ta sẽ cần lời chúc này”, Jeremy Grantham gửi lời cảnh báo đến thị trường.

Còn Edward Yardeni, một nhà kinh tế độc lập ở Phố Wall nhận định tâm lý thị trường bắt đầu đảo chiều từ ngày 5/1, khi FED công bố biên bản họp chính sách tiền tệ tháng 12, trong đó ngụ ý chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ chặt chẽ hơn nhiều. Một tuần sau đó, báo cáo cho thấy CPI của Mỹ tiếp tục lập đỉnh. Kết hợp cả 2 tin tức này, có vẻ như FED không còn lựa chọn nào khác ngoài siết hơn nữa chính sách tiền tệ. Cổ phiếu bắt đầu sụt giảm trong hỗn loạn.

Thực tế, sau khi liên tục lập đỉnh kỷ lục vào đầu tháng 1, S&P 500 và Dow Jones hiện đã rơi lần lượt 8,31% và 6,34% từ đầu năm cho đến nay, theo dữ liệu của FactSet. Chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ thậm chí còn trượt mạnh 13,04% so với thời điểm đầu tháng khi loạt cổ phiếu công nghệ rơi vào vòng xoáy sụt giảm mạnh mẽ. Nhóm cổ phiếu đại công ty công nghệ cũng gây áp lực lớn lên chỉ số Dow Jones, với Apple, Microsoft, Salesforce, Cisco Systems, IBM… đồng loạt giảm mạnh từ đầu năm.

Cú trượt thảm của S&P 500 sau khi lập đỉnh hồi đầu tháng 1 (Ảnh: Invest.com)

Cú trượt thảm của S&P 500 sau khi lập đỉnh hồi đầu tháng 1 (Ảnh: Invest.com)

Nasdaq Composite tụt hơn 6,2% chỉ trong tuần này (Ảnh: CNBC)

Nasdaq Composite tụt hơn 6,2% chỉ trong tuần này (Ảnh: CNBC)

Không riêng cổ phiếu, thị trường trái phiếu của Mỹ cũng đang xáo trộn với lãi suất tăng mạnh theo kỳ vọng FED nâng lãi suất hơn 3 lần trong năm nay. Giá trái phiếu di chuyển ngược chiều với lợi suất và tiếp tục giảm sâu.

Chỉ số Cboe Volatility VIX, chỉ số được xem như thước đo nỗi sợ hãi trên phố Wall, đã tăng trong phần lớn các phiên kể từ đầu năm 2022. Bắt đầu năm ở mức chỉ 16,6 điểm, hiện VIX đã lên tới 28,85 điểm (chốt phiên 21/1) sau nhiều phiên sắc đỏ phủ bóng phố Wall. Theo FactSet, VIX hiện đang nằm trên mức trung bình biến động 50 ngày gần nhất. Sự tăng điểm mạnh mẽ của VIX từ đầu năm đến nay ngụ ý nhà đầu tư đang đặt cược vào sự bất ổn của thị trường trong ít nhất 1 tháng tới đây.

Trong một góc nhìn tích cực hơn, sự sụt giảm gần đây của chứng khoán Mỹ chỉ xóa bỏ một phần mức tăng mà 3 chỉ số chính đạt được trong những năm qua. Đơn cử, S&P 500 đã tăng gần 27% trong năm 2021, 26% trong năm 2020 và 29% trong năm 2019. Mức giảm thậm chí có thể là tín hiệu tốt nếu nó giúp bong bóng chứng khoán xì hơi phần nào, tránh nguy cơ một cú nổ lớn cho thị trường làm rạn vỡ danh mục đầu tư.

TTCK VIỆT NAM: LỢI NHUẬN NĂM NAY KHÓ MẠNH MẼ NHƯ 2021

Trên thị trường chứng khoán trong nước, sau một năm 2021 thăng hoa, nhà đầu tư cũng đang trải qua tháng giao dịch đầu năm 2022 nhiều biến động. Vụ việc ông Trịnh Văn Quyết “bán chui” 74,5 triệu cổ phiếu FLC và thông tin Tân Hoàng Minh chấp nhận bỏ cọc gần 600 tỷ đồng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm đã gây tác động bất lợi lớn đến tâm lý thị trường.

Tính chung tuần này, VN-Index mất 23,13 điểm xuống 1.472,89 điểm bất chấp tín hiệu phục hồi vào cuối tuần. Trong phiên giảm mạnh nhất tuần hôm 17/1, chỉ số này thậm chí bốc hơi 43 điểm.

3 phiên phục hồi cuối tuần đã góp phần xoa dịu mất mát, vực dậy phần nào tâm lý bi quan của nhà đầu tư, mở đường cho kỳ vọng vào tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Dù vậy, nhiều chuyên gia dự báo năm 2022, thị trường chứng khoán khó rực rỡ như năm 2021 vừa qua.

Trao đổi với Mekong Asean, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định triển vọng phục hồi kinh tế trong năm 2022 là rất tốt. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và việc mở cửa trở lại được tiến hành trong quý II như mục tiêu thì du lịch và các ngành dịch vụ sẽ phục hồi rất nhanh.

“Trên tinh thần đó, phục hồi nhanh hơn cả có lẽ là những kênh đầu tư sản xuất mà trước đây đã bị thiệt hại. Hay bất động sản, phân khúc phục hồi mạnh nhất sẽ là bất động sản công nghiệp. Vàng chắc chắn sẽ lên nhưng lên chậm, ngoại tệ cũng có thể có sự lên giá trong bối cảnh các quốc gia đều đang trong xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ”, TS. Nguyễn Minh Phong nói thêm.

Riêng với kênh đầu tư chứng khoán, vị chuyên gia kinh tế nhận định: “Trong 1-2 tháng tới, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục tăng. Nhưng nhìn chung trong cả năm nay, mức tăng của chứng khoán chắc chắn không được như năm ngoái nữa”.

Vị này chỉ ra 3 nguyên nhân chính làm giảm dần sự sôi động trên thị trường chứng khoán năm 2022. Thứ nhất, dòng tiền bị siết lại. Thứ hai, các cơ hội đầu tư khác mở ra tiếp tục phân tán dòng tiền. Cuối cùng, thị trường đã lên cao trong 2 năm qua, khó có thể tiếp tục tăng mạnh, nhất là sau các vụ việc gần đây liên quan đến FLC và Tân Hoàng Minh như một thông điệp “dội nước lạnh” vào thị trường.

2 THÔNG ĐIỆP ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN:

Cảnh báo nhà đầu tư chứng khoán, TS. Nguyễn Minh Phong đưa ra 2 thông điệp chính: “Một, chắc chắn các khoản lời chứng khoán sẽ không tăng nhanh như năm 2021 nữa đâu. Hai, tôi cho rằng các nhà đầu tư hết sức cẩn trọng với các lời hứa, kể cả với chứng khoán hay là các kênh đầu tư khác. Bởi vì sau vụ “bán chui” cổ phiếu FLC vừa qua của ông Trịnh Văn Quyết thì rõ ràng uy tín lời hứa của các đại gia hay doanh nhân cũng không phải là lớn lắm”.

Ảnh tác giả

“Chắc chắn các khoản lời chứng khoán sẽ không tăng nhanh như năm 2021 nữa đâu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hết sức cẩn trọng với các lời hứa, kể cả với chứng khoán hay là các kênh đầu tư khác."

TS. Nguyễn Minh Phong

Trước đó, PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) cũng cảnh báo với Mekong Asean về nguy cơ bong bóng trên thị trường chứng khoán nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ.

“Xu hướng thị trường là khi nền kinh tế đi xuống, suy thoái thì chứng khoán không bao giờ đi lên. Nhưng trong quý III/2021 vừa qua, kinh tế tăng trưởng âm mà chứng khoán vẫn đi lên mạnh mẽ. Thậm chí có hiện tượng có doanh nghiệp lỗ nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng 5-10 lần, doanh nghiệp làm ăn bình thường giá cổ phiếu cũng tăng nhiều lần. Vậy phải chăng có bong bóng?”, PGS.TS Ngô Trí Long đặt vấn đề.

Theo dự báo của vị này, trong năm 2022, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục phát triển theo đà phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, cần có biện pháp kiểm soát dòng tiền để tránh tình trạng đầu cơ, bởi “đầu tư chứng khoán là đầu tư dài hạn chứ không phải đầu cơ ngắn hạn, lướt sóng theo phong trào, số đông”.

Tin liên quan

Đọc tiếp