Cổ vật xương lười tại Brazil cho thấy con người di cư sớm tới châu Mỹ

cổ vật Châu Mỹ
17:40 - 12/07/2023
Các cổ vật làm từ xương con lười được khai quật tại Brazil. Ảnh: Thais Rabito Pansani/AP
Các cổ vật làm từ xương con lười được khai quật tại Brazil. Ảnh: Thais Rabito Pansani/AP
0:00 / 0:00
0:00
Theo kết quả một nghiên cứu công bố ngày 12/7 trên The Royal Society Publishing, các bằng chứng tìm được từ cổ vật làm từ xương con lười đã tuyệt chủng tại Nam Mỹ cho thấy loài người xuất hiện tại châu Mỹ sớm hơn dự đoán trước đây.

Theo hãng tin AP, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích các mặt dây chuyền hình tam giác và hình giọt nước làm bằng vật liệu xương của con lười được khai quật từ khoảng 30 năm trước tại một nơi trú ẩn bằng đá có tên là Santa Elina ở miền trung Brazil.

Từng là một trong những sinh vật lớn nhất ở Nam Mỹ, lười đất khổng lồ có chiều dài từ 3m đến 4m và thường đi bằng cả bốn chân, sử dụng móng vuốt sắc nhọn để đào hang. Chúng nặng hơn 450 kg và da của chúng bao gồm các cấu trúc xương dưới lớp lông - hơi giống với các tấm xương của loài tatu hiện đại.

Những đồ vật này sở hữu hình dáng được chạm khắc và đánh bóng cùng các lỗ khoan, tạo ra bằng chứng vững chãi rằng chúng là những tác phẩm khéo léo được tạo ra một cách có chủ ý.

Cụ thể, phân tích từ nhóm các nhà nghiên cứu từ Brazil, Pháp và Mỹ cho thấy công việc thủ công này được thực hiện trong vòng vài ngày đến vài năm sau khi động vật chết và trước khi vật liệu hóa thạch. Các nhà nghiên cứu cũng loại trừ khả năng mài mòn tự nhiên và những yếu tố khác nhằm đưa ra lời giải thích cho hình dạng và lỗ hổng trên các cổ vật.

Ông Thais Rabito Pansani, đồng tác giả và nhà cổ sinh vật học tại Đại học Liên bang Sao Carlos ở Brazil, cho biết: “Chúng tôi nghĩ chúng là đồ vật cá nhân, có thể là đồ trang sức cá nhân”. Thêm vào đó, niên đại của các đồ trang trí này được xác định là từ khoảng 25.000 cho tới 27.000 năm trước, sớm hơn vài nghìn năm so với mốc thời gian một số lý thuyết đưa ra về việc loài người di cư tới châu Mỹ sau khi ra khỏi châu Phi và Âu – Á.

Nhận định về phát hiện này, đồng tác giả nghiên cứu và là nhà khảo cổ học Mirian Liza Alves Forancelli Pacheco tại Đại học Liên bang Sao Carlos ở Brazil cho biết: “Cùng với bằng chứng từ các địa điểm khai quật khác tại Nam và Bắc Mỹ, hiện chúng tôi có cơ sở để tin rằng chúng tôi phải suy nghĩ lại các lý thuyết về sự di cư của con người đến châu Mỹ”.

Ông Jennifer Raff, một nhà di truyền học nhân chủng học tại Đại học Kansas, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết bài báo mới là “một sự bổ sung quan trọng” cho cuộc tranh luận vẫn chưa tới hồi kết. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ phát hiện nào về chủ đề này, nó có khả năng gây ra sự tranh cãi.

Trên thực tế trong thập kỷ qua, ngày càng xuất hiện nhiều nghiên cứu thách thức những giả thuyết cho rằng con người không đến được châu Mỹ cho đến vài nghìn năm trước khi mực nước biển dâng cao bao phủ cây cầu đất liền Bering giữa Nga và Alaska, rơi vào khoảng 15.000 năm trước.

Năm 2021, một nhóm các nhà nghiên cứu khác đã báo cáo về một dấu chân hóa thạch của con người được tìm thấy gần White Sands, New Mexico, có niên đại từ 21.000 đến 23.000 năm trước – mốc thời gian vẫn đang được tranh cãi. Ngoài ra, những bằng chứng khác được tìm thấy tại Mexico cũng cho thấy sự hiện diện của con người khoảng 26.000 năm trước hay tại Uruguay có thể gợi ý sự di cư của con người cách đây 30.000 năm.

Tuy nhiên, công trình công bố ngày 12/7 là nghiên cứu đầu tiên đưa ra phân tích một cách sâu rộng và loại trừ khả năng con người đã tìm thấy và chạm khắc chúng hàng nghìn năm sau khi các loài động vật bị diệt vong

Đọc tiếp