Cuộc chiến chống lạm phát khó êm đẹp như FED kỳ vọng

FED MỸ
15:40 - 17/03/2022
Cuộc chiến chống lạm phát khó êm đẹp như FED kỳ vọng
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi Chủ tịch FED Powell khẳng định khả năng xảy ra suy thoái trong năm tới không quá cao, thì sự hoài nghi của giới quan sát về nguy cơ lãi suất tăng và lạm phát cao ăn mòn tăng trưởng không phải không có cơ sở.

Quyết định tăng lãi suất 0,25% sau phiên họp chính sách tiền tệ tháng 3 vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang FED được xem là khởi đầu cho một lộ trình thắt chặt quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ, khi lạm phát tại Mỹ tăng nóng hơn bao giờ hết.

Chủ tịch FED Jerome Powell đã nhấn mạnh tại cuộc họp báo hôm 16/3 rằng mức lạm phát quá nóng là một trong những tiền đề để ngân hàng trung ương đưa ra những giải pháp giải quyết áp lực giá chưa từng có trong 4 thập kỷ.

“Khi tôi nhìn nhận những ý kiến trong cuộc họp hôm nay, tôi thấy một Ủy ban Thị trường mở với nhận thức sâu sắc về sự cần thiết và cấp thiết phải đưa nền kinh tế trở lại mặt bằng giá ổn định. Chúng tôi quyết tâm sử dụng mọi công cụ để thực hiện mục tiêu này. Nền kinh tế Mỹ hiện đang mạnh mẽ và trong trạng thái rất tốt để tiến hành chính sách tiền tệ thắt chặt hơn”, ông Jerome Powell cho biết.

Sau gần 2 năm duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục, FED chính thức quyết định tăng lãi suất 0,25% vào phiên họp 15-16/3 (Ảnh: NYTimes)

Sau gần 2 năm duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục, FED chính thức quyết định tăng lãi suất 0,25% vào phiên họp 15-16/3 (Ảnh: NYTimes)

Theo ông Powell, FED dự kiến tăng lãi suất khoảng 6 lần nữa với mức tăng 0,25% mỗi lần, qua đó đưa lãi suất cơ bản lên khoảng 1,75-2% vào cuối năm nay. Một số nhà hoạch định chính sách thuộc FED thậm chí ủng hộ những bước thắt chặt mạnh mẽ hơn khi đối phó với cuộc chiến lạm phát căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ. Cũng như Chủ tịch Powell, họ tin rằng các bước thắt chặt như vậy không đưa nền kinh tế Mỹ vào nguy cơ suy thoái do tổng cầu của nền kinh tế đang rất mạnh mẽ.

FED dự báo trong kịch bản tăng lãi suất 7 lần, tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn sẽ đạt khoảng 2,8% trong năm nay, một sự điều chỉnh giảm mạnh so với mức tăng trưởng khoảng 4% mà ngân hàng trung ương đưa ra hồi tháng 12/2021 nhưng vẫn cho thấy triển vọng đáng kể của nền kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp theo dự báo của FED sẽ ổn định ở mức khoảng 3,5%, thấp nhất trong nhiều năm.

Tuy nhiên, các nhà quan sát tỏ ra hoài nghi. Bà Kathy Jones, chiến lược gia trưởng tại Charles Schwab cho rằng những dự báo của Fed là “một mớ đầy rẫy mâu thuẫn”: “Tăng lãi suất hàng loạt để kiềm chế lạm phát nhưng tăng trưởng GDP và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định? Thật khó tin”.

Lãi suất thế chấp, tín dụng đồng loạt nhích lên và nguy cơ kéo lùi tăng trưởng

Về mặt kỹ thuật, việc FED tăng lãi suất cơ bản chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng domino - dù trực tiếp hay gián tiếp - làm tăng chi phí vay với người tiêu dùng. Kiềm chế lạm phát sẽ đi kèm với sự suy giảm nhu cầu hàng hóa, vô hình chung kéo lùi một động lực đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP. Trong khi đó, các vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng trầm trọng hơn do chiến sự ở Nga và Ukraine cũng đe dọa tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Người tiêu dùng Mỹ có thể ít cảm nhận những tác động từ đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED. Nhưng khi lộ trình thắt chặt ngày càng quyết liệt hơn, những tác động cũng theo đó mà hiện hình rõ nét hơn.

Chẳng hạn, lãi suất thế chấp - liên quan trực tiếp đến vay mua nhà - dù không chịu tác động tương ứng trực tiếp từ lãi suất cơ bản do FED điều hành, nhưng nó di chuyển cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm. Mà lợi suất này lại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có kỳ vọng của thị trường về chính sách tiền tệ của FED.

Lãi suất thế chấp bình quân cho các khoản vay 30 năm thường di chuyển tương ứng với lãi suất cơ bản của FED (Ảnh: Federal Reserve Board of Governors, 3/2022)

Lãi suất thế chấp bình quân cho các khoản vay 30 năm thường di chuyển tương ứng với lãi suất cơ bản của FED (Ảnh: Federal Reserve Board of Governors, 3/2022)

Khảo sát của Freddie Mac chỉ ra rằng lãi suất thế chấp tại Mỹ dù vẫn ở mức thấp nhưng đã có dấu hiệu nhích lên liên tục trong thời gian qua. Tính đến ngày 16/3, lãi suất thế chấp bình quân cho các khoản vay 30 năm ở mức khoảng 3,85%, tăng từ mức 3,05% cùng kỳ năm ngoái.

Phó Chủ tịch HSH.com, ông Keith Gumbinger nhận định: “Lãi suất thế chấp có thể tăng đáng kể so với mức hiện tại, dù tất nhiên vẫn nằm ở mức thấp nếu so sánh với lịch sử”. Ông này dự báo lãi suất thế chấp cho các khoản vay kỳ hạn 30 năm có thể vượt 4% trong tuần này theo đà tăng của lãi suất trái phiếu kho bạc.

Tương tự, lãi suất trung bình với các khoản vay mua ô tô dự kiến cũng tăng, dù thời gian qua việc giá xe - bao gồm cả xe mới và xe đã qua sử dụng - tăng vọt đã khiến người dân ít chú ý hơn đến lãi suất. Theo Dealertrack, lãi suất trung bình đối với các khoản vay mua ô tô mới vào tháng 2 hiện ở mức 4,39% trong khi lãi suất cho các khoản vay mua ô tô đã qua sử dụng là khoảng 7,83%.

Các khoản vay mua ô tô có xu hướng di chuyển cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 5 năm. Cũng theo Dealertrack, lãi suất cho vay mua ô tô chắc chắn sẽ tăng khi FED tăng lãi suất cơ bản, nhưng mức tăng này không tác động quá lớn đến các khoản thanh toán hàng tháng. Theo những người quen thuộc trong ngành, mức lãi suất cuối cùng mà người vay mua ô tô phải trả chủ yếu được xác định dựa trên lịch sử tín dụng của người vay, loại xe, thời hạn vay, khoản trả trước… Nếu người vay có lịch sử tín dụng kém, mức lãi suất có thể lên tới hơn 20%.

Với những người gửi tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng, việc FED tăng lãi suất cơ bản thường đồng nghĩa ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho các khoản tiền gửi. Nhưng mức tăng có thể không đến ngay lập tức. Các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất khi họ muốn hút thêm tiền gửi tiết kiệm, nhưng hiện tại, lượng tiền gửi ở các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ về cơ bản đã dồi dào.

Theo ông Ken Tumin, người sáng lập DepositAccounts.com, các ngân hàng nhỏ và ngân hàng trực tuyến thường có xu hướng đưa ra mức lãi suất tốt hơn so với các tổ chức tài chính lớn. Hiện tại, một số ngân hàng trực tuyến của Mỹ như Capital One và American Express đã bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm nhưng mức tăng không lớn.

Với những người tiêu dùng Mỹ thường xuyên chi tiêu qua thẻ tín dụng, giới chuyên gia đã bắt đầu cảnh báo nên sử dụng thời gian số dư 0% để trả hết nợ, tránh phải chịu lãi suất cao hơn trong khoảng 18 tháng tới. Greg McBride, giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate.com nhận định những thay đổi về lãi suất thẻ tín dụng thường bám sát các động thái của FED, do đó không có gì ngạc nhiên nếu người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều lãi hơn cho các khoản vay quá hạn.

Hàng loạt mức lãi suất nhích lên chắc chắn sẽ làm giảm tâm lý sẵn sàng vay mượn của người tiêu dùng Mỹ, từ đó tạo ra áp lực cho chi tiêu tiêu dùng.

Trong khi Chủ tịch FED Powell khẳng định: “Theo quan điểm của tôi, khả năng xảy ra suy thoái trong năm tới không quá cao. Hãy nhìn vào tổng cầu rất mạnh của nền kinh tế”, thì sự hoài nghi của giới quan sát nguy cơ lạm phát cao và lãi suất tăng ăn mòn tăng trưởng không phải không có cơ sở. Cần nói thêm, trong kịch bản FED tăng lãi suất 7 lần, lạm phát của Mỹ dự kiến vẫn ở mức bình quân 4,1% trong năm nay, cao hơn gấp đôi mức lạm phát mục tiêu.

Tin liên quan

Đọc tiếp