Cuộc đàm phán khí hậu 'sống còn' của nhân loại

COP26 Khí hậu
10:03 - 01/11/2021
Cuộc đàm phán khí hậu 'sống còn' của nhân loại
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới hôm nay tập trung tại Glasgow, Scotland để tham gia Hội nghị thượng đỉnh khí hậu (COP26), bàn cách giải quyết tình trạng nóng lên của trái đất được cho là đã đến ngưỡng không thể thay đổi nếu không hành động ngay.

COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu) diễn ra trong bối cảnh các thảm họa khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và hiện tượng nóng lên toàn cầu do lượng khí thải gia tăng.

Đại diện của gần 200 quốc gia sẽ tham dự hội nghị kéo dài hai tuần đầu tháng 11, với mục đích đi đến thỏa thuận cuối cùng về cam kết cải thiện khí hậu Trái Đất, đưa tương lai nhân loại bước sang một kỷ nguyên xanh và sạch.

Trước đó, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã đặt mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Trong trường hợp mục tiêu này thất bại, lằn ranh cuối cùng ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu là giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Hội đồng khoa học khí hậu hàng đầu của Liên Hợp Quốc cho biết, nếu vượt quá ngưỡng nhiệt độ này, con người sẽ phải đối mặt với một hành tinh ngày càng khắc nghiệt với lũ lụt và hạn hán ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, mực nước biển dâng nhanh hơn, khiến cuộc sống và sinh kế của người dân gặp nguy hiểm.

Chủ tịch COP26, Alok Sharma phát biểu trên sân khấu lễ khai mạc Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow. Ảnh: Reuters

Chủ tịch COP26, Alok Sharma phát biểu trên sân khấu lễ khai mạc Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại lễ khai mạc hôm 31/10, chủ tịch COP26 Alok Sharma của nước chủ nhà Anh nhấn mạnh: “COP26 là hy vọng cuối cùng của chúng ta để giữ được mốc 1,5 độ C.”

Tuy nhiên, hành trình đưa thế giới vào một con đường an toàn hơn sẽ không hề dễ dàng. Trái Đất đã nóng lên 1,2 độ C, vì vậy chỉ còn rất ít thời gian để hành động. Giảm thiểu rủi ro do khí hậu cực đoan đồng nghĩa với việc các quốc gia phải đẩy mạnh kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần huy động một lượng tiền khổng lồ để chuyển sang năng lượng tái tạo, giao thông điện khí hóa, nông nghiệp bền vững và chấm dứt nạn chặt phá rừng. Nhiều vấn đề cấp thiết cần được giải quyết, chẳng hạn như phải đưa ra các quy định giúp các quốc gia đáp ứng một phần cam kết giảm phát thải của họ.

Ngoài ra, cũng cần hiện thực hóa lời hứa của các nước đứng đầu thế giới về khoản tiền 100 tỷ USD để tài trợ các dự án khí hậu hàng năm cho các quốc gia đang phát triển. “Đây không chỉ là khoảng 100 tỷ USD”, bà Patricia Espinosa, Trưởng bộ phận khí hậu của Liên hợp quốc cho biết. “Chúng ta cần huy động hàng nghìn tỷ USD”.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 như kỳ vọng, đầu tư năng lượng sạch hàng năm trên toàn thế giới sẽ cần tăng hơn gấp ba lần vào năm 2030 lên khoảng 4.000 tỷ USD.

Hội nghị COP26 nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, với sự tham gia trực tiếp của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tuy nhiên, việc một số lãnh đạo các nước lớn khác có vai trò quan trọng trong biến đổi khí hậu toàn cầu như Nga và Trung Quốc vắng mặt tại hội nghị khiến giới quan sát lo ngại cuộc đàm phán thiếu hiệu quả.

Tiến sĩ Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Biến đổi Khí hậu và Phát triển (ICCCAD) có trụ sở tại London, đồng thời là một cựu chiến binh đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc, cho biết: “Tôi mong đợi mỗi nhà lãnh đạo sẽ đưa ra các hành động cụ thể phù hợp với việc duy trì mức dưới 1,5 độ C. Nhưng tôi không có nhiều hy vọng họ sẽ thực hiện.”

Đọc tiếp