Đa dạng phong tục đón Tết Đoan Ngọ tại châu Á

Lễ Tết CHÂU Á
06:43 - 04/06/2022
Mỗi năm tới ngày 5/5 theo lịch âm truyền thống, người dân tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á cùng kỷ niệm Tết Đoan ngọ. Riêng tại Trung Quốc, phong tục này được cho là có nguồn gốc từ khoảng hơn 2.000 năm trước.

Tại Trung Quốc, theo truyền thuyết, Khuất Nguyên là một thi sĩ người nước Sở ở thời Chiến Quốc (kéo dài từ khoảng thế kỷ 5 TCN đến năm 221 TCN), tác giả của bài thơ nổi tiếng “Ly Tao” thể hiện nỗi buồn trước thời cuộc nhiễu nhương. Tới năm 278 TCN, nước Sở bị nhà Tần thôn tính. Khi tin tức này tới tai Khuất Nguyên, ông đã quá đau buồn và ôm đá nhảy xuống sông Mịch La, nay nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc, để tự vẫn.

Truyền thuyết Trung Quốc kể rằng nhằm ngăn những con cá trong nước không đụng chạm tới thân xác Khuất Nguyên, người dân địa phương đã chèo thuyền ra giữa hồ và đổ gạo xuống cho cá ăn. Từ đó cứ đến ngày 5/5 hàng năm theo Âm lịch, người dân lại mang theo gạo để tế lễ Khuất Nguyên. Từ đó về sau hoạt động này được gọi là Tết Đoan ngọ tại Trung Quốc.

Phong tục tập quán có thể khác nhau ở các vùng trên khắp Trung Quốc, nhưng điểm chung là hầu hết các gia đình ở nước này là treo tranh vẽ thần Chung Quỳ - một vị thần giáng yêu trừ ma trong truyền thuyết, treo cây ngải cứu và cây kim tiền trước cửa nhà hoặc tổ chức đua thuyền rồng.

Trong khi đó tại Việt Nam, Tết Đoan ngọ ngày mùng 5/5 âm lịch rất khác so với Trung Quốc và thường được biết tới với cái tên truyền thống là Tết diệt sâu bọ, nhằm kỉ niệm ngày người dân diệt trừ những mầm bệnh và sâu bệnh có hại cho cây trồng để mùa màng được tươi tốt hơn. Qua đó bày tỏ mong muốn bản thân và gia đình không bệnh tật và có cuộc sống khỏe mạnh. Vào ngày này, người dân Việt thường ăn bánh tro, bánh trôi hoặc chè kê cùng với rượu nếp và nếp cẩm, với mong muốn diệt trừ giun sán.

Ngoài Việt Nam, các quốc gia phương Đông khác như Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng ăn mừng Tết Đoan ngọ với phong tục tập quán khác nhau. Tại Singapore và Malaysia người dân còn làm bánh bak chang hay còn gọi là bánh bá trạng trong ngày Tết Đoan ngọ.

Người dân đặc khu Hong Kong đua thuyền rồng tại cảng Victoria vào Tết Đoan Ngọ. Ảnh: BBC

Người dân đặc khu Hong Kong đua thuyền rồng tại cảng Victoria vào Tết Đoan Ngọ. Ảnh: BBC

Đua thuyền rồng

Trọng tâm của hoạt động trong ngày Tết Đoan Ngọ ở một số nước và vùng lãnh thổ là các cuộc đua thuyền rồng trên sông. Cụ thể, các đội thi sẽ lái những chiếc thuyền rồng đầy màu sắc của mình về phía trước theo nhịp trống đang đánh.

Những cuộc đua thú vị này thượng được tổ chức tại Trung Quốc và một số nơi khác, lấy cảm hứng từ truyền thuyết người dân làng nỗ lực để giải cứu Khuất Nguyên khỏi sông Mịch La năm xưa. Hoạt động đua thuyền rồng hiện vẫn được duy trì dù nhiều thế kỷ đã trôi qua tại cả Trung Quốc lẫn một số nơi khác như Đài Loan và Hong Kong.

Người dân Đài Bắc, trên đảo Đài Loan đua thuyền rồng vào Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Taiwan Scene

Người dân Đài Bắc, trên đảo Đài Loan đua thuyền rồng vào Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Taiwan Scene

Gói và ăn bánh zongzi

Hầu hết các lễ hội của Trung Quốc đều gắn liền với một món ăn cụ thể và Tết Đoan ngọ cũng không phải là ngoại lệ. Vào ngày lễ này hàng năm người dân Trung Quốc thường ăn bánh zongzi làm từ gạo nếp, thịt, đậu phộng, lòng đỏ trứng hoặc các loại nhân khác được gói trong lá sậy.

Ở những vùng quê, các gia đình thường tập trung gói bánh, luộc bánh và ăn cùng với nhau, còn ở những nơi khác trên thành phố, những người dân có công việc bận rộn thường sẽ mua bánh zongzi bán sẵn.

Việc ăn bánh zongzi tại Trung Quốc được cho là có nguồn gốc từ việc những người dân rải gạo xuống sông Mịch La trong truyền thuyết để ngăn cá không đụng tới thân xác Khuất Nguyên.

Bánh zongzi thường được gói trong lá sậy và có nhân đa dạng từ nhân ngọt tới nhân mặn. Ảnh: Dianxi Xiaoge

Bánh zongzi thường được gói trong lá sậy và có nhân đa dạng từ nhân ngọt tới nhân mặn. Ảnh: Dianxi Xiaoge

Cân bằng quả trứng

Vào ngày này hàng năm, người dân Trung Quốc và các nơi lân cận như Đài Loan còn có một phong tục rất thú vị để cầu may mắn trong năm tới chính là cố gắng giữ cân bằng cho một quả trứng. Vào buổi trưa tại nhiều địa điểm, người dân thậm chí còn tổ chức cuộc thi cân bằng trứng.

Trẻ em tại Đài Loan thi với nhau cân bằng trứng như một phong tục truyền thống ngày Tết Đoan ngọ. Ảnh: CNA

Trẻ em tại Đài Loan thi với nhau cân bằng trứng như một phong tục truyền thống ngày Tết Đoan ngọ. Ảnh: CNA

Treo lá cây trước cửa nhà

Tháng 5 âm lịch theo văn hóa của Trung Quốc nói riêng và các nước phương Đông nói chung được coi là tháng “độc”. Nguyên nhân là do côn trùng và các loài vật gây hại thường hoạt động mạnh trong tháng này, khiến cây trồng và cả con người dễ mắc bệnh hơn.

Do đó khi đến ngày này, người dân thường đặt lá ngải cứu và cây kim tiền trên cửa ra vào hoặc cửa sổ để xua đuổi côn trùng, ruồi, bọ chét và bướm đêm ra khỏi nhà. Những loại lá này cũng có đặc tính chữa bệnh và có thể ngăn ngừa dịch bệnh.

Người dân thường treo cây ngải cứu hoặc kim tiền trước cửa để xua tà ma. Ảnh: CGTN

Người dân thường treo cây ngải cứu hoặc kim tiền trước cửa để xua tà ma. Ảnh: CGTN

Đeo túi thơm

Vào lễ hội thuyền rồng, trẻ em thường đeo túi thơm xâu bằng dây lụa ngũ sắc để xua đuổi ma quỷ. Một túi thơm thường chứa chu sa, giấm và các loại thảo mộc thơm được bọc trong một tấm vải lụa và đôi khi được thêu những hoa văn tinh xảo. Ngoài ra, túi còn có những sợi tơ nhiều màu được đính vào làm trang trí. Ở một số khu vực của Trung Quốc, túi thơm thơm cũng được sử dụng như một vật định tình giữa các cặp tình nhân trẻ.

Trẻ em vào ngày Tết Đoan Ngọ thường đeo túi thơm. Ảnh: IC

Trẻ em vào ngày Tết Đoan Ngọ thường đeo túi thơm. Ảnh: IC

Treo ảnh thần Chung Quỳ

Chung Quỳ là một vị thần trừ tà nổi tiếng. Bức tranh của ông là hình một người đàn ông hung dữ vung một thanh gươm thần thường được treo trong các ngôi nhà ở Trung Quốc để xua đuổi tà ma, đặc biệt là trong Tết Đoan ngọ.

Tranh vẽ thần Chung Quỳ của họa sĩ Du Mingxuan. Ảnh: Carré d'artistes Paris 4 Ile Saint Louis

Tranh vẽ thần Chung Quỳ của họa sĩ Du Mingxuan. Ảnh: Carré d'artistes Paris 4 Ile Saint Louis

Thắt dây lụa ngũ sắc

Theo truyền thuyết dân gian, người dân thường buộc dây lụa ngũ sắc quanh cổ tay, cổ chân và cổ của trẻ em để bảo vệ chúng khỏi ma quỷ. Dây lụa ngũ sắc cũng mang một ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa Trung Hoa do nó được cho là có các đặc tính kỳ diệu bảo vệ trẻ em khỏi bệnh dịch hạch và các bệnh khác.

Dây lụa ngũ sắc được thắt cho trẻ em nhằm bảo vệ khỏi bệnh tật. Ảnh: Dianxi Xiaoge
Dây lụa ngũ sắc được thắt cho trẻ em nhằm bảo vệ khỏi bệnh tật. Ảnh: Dianxi Xiaoge

Đọc tiếp