Đã hỗ trợ DN hàng nghìn tỷ đồng thuế phí, ngành thuế - hải quan có thể làm tốt hơn nữa không?

CHÍNH SÁCH Việt nAM
16:40 - 16/12/2021
Đã hỗ trợ DN hàng nghìn tỷ đồng thuế phí, ngành thuế - hải quan có thể làm tốt hơn nữa không?
0:00 / 0:00
0:00
Chính sách của cơ quan thuế, hải quan có thể đi trước tạo dư địa cho DN chứ không chỉ đi song song hoặc đi sau DN hay không? Ngành thuế, hải quan có thể làm tốt hơn nữa hay không? Câu hỏi của đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu. 

Phát biểu tại Diễn đàn Thuế - Hải quan 2021 với chủ đề Chính sách thuế - hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ông Vũ Xuân Bách khẳng định, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã tham mưu và tham gia trình Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp cả về chính sách thuế và quản lý thuế với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Xuân Bách phát biểu tại Diễn đàn Thuế - Hải quan 2021

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Xuân Bách phát biểu tại Diễn đàn Thuế - Hải quan 2021

Ngành thuế: hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ thuế phí cho doanh nghiệp, người dân

Tính đến ngày 23/11/2021, đã có gần 140.000 người nộp thuế được giải quyết yêu cầu gia hạn thời hạn nộp thuế. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP là trên 92.000 tỷ đồng.

Về miễn, giảm thuế, tính đến hết 9 tháng năm 2021, giảm thu khoảng 6.600 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) so với mặt bằng chính sách năm 2020 trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 954/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN.

Trong cùng kỳ, ngành thuế cũng giảm thu khoảng 1.380 tỷ đồng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp quý IV trên cơ sở Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm.

Đồng thời, giảm thu 660 tỷ đồng do thực hiện Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 của UBTVQH về việc tiếp tục thực hiện giảm 30% thuế BVMT đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021.

Ngoài ra, ngành thuế còn giảm thu khoảng 810 tỷ đồng so với mặt bằng năm 2020 trên cơ sở thực hiện Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 về mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 về tiếp tục miễn, giảm 30 loại phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tổng cục Thuế cũng có hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 áp dụng trong năm 2020 và 2021. Dự kiến khi xây dựng chính sách thì tổng số thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm trong năm 2021 theo các chính sách nêu trên là khoảng 23.000 tỷ đồng.

Song song với các biện pháp hỗ trợ miễn giảm, gia hạn thuế trực tiếp, Tổng cục Thuế cũng báo cáo Bộ Tài chính triển khai sớm việc áp dụng Hóa đơn điện tử để tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí thực hiện cho người nộp thuế cũng như đơn giản hóa công tác quản lý thuế nói chung.

Ngành hải quan: tạo mọi điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu

Phát biểu tại Diễn đàn Thuế - Hải quan 2021 do tờ Thời báo Tài chính, Bộ Tài chính tổ chức ngày 14/12, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan ông Mai Xuân Thành cũng khẳng định sẽ “tiếp tục đồng hành, đối thoại, cùng nhau giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm chi phí, thời gian thông quan và đạt được hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Mai Xuân Thành

Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Mai Xuân Thành

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ hoạt động hải quan trên địa bàn nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan, thông quan nhanh hàng hóa tại cửa khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với các khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc cách ly theo quy định phòng chống dịch.

Ngoài ra, ngành Hải quan tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hai nhóm mục tiêu cơ bản: một là minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới; hai là thiết lập môi trường dịch vụ số thân thiện, linh hoạt, dễ dàng tiếp cận, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, đáp ứng sự thay đổi về quy định và chính sách, đảm bảo sự liền mạch, không đứt gãy trong hoạt động thương mại...

Doanh nghiệp rất khó khăn, chính sách thuế - hải quan cần đi trước

Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và ông Phan Đức Hiếu, ĐBQH khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình rằng ngành thuế và hải quan đã luôn sát cánh với doanh nghiệp trong thời gian diễn ra đại dịch.

“Chưa có một đơn vị nào có tần suất thực hiện đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp dày đặc như ở Bộ Tài chính. Điều này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao trong những năm qua”, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, nguyên là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định.

Tuy nhiên nhìn chung, tình hình doanh nghiệp hiện tại vẫn đang rất khó khăn, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trải qua thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, doanh nghiệp hiện rất cần hỗ trợ chi phí vật chất và đặc biệt là hỗ trợ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Ảnh tác giả

“Doanh nghiệp giờ đây rất khó khăn, nhất là về dòng tiền khi sản xuất kinh doanh không liên tục nhưng chi phí bỏ ra lại không giảm, thậm chí còn tăng lên. Thậm chí, doanh nghiệp thiệt hại lớn khi tài sản không được khai thác đầy đủ. Khó khăn hiện vẫn bất định vì không ai biết dịch khi nào đi qua”.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu

Chẳng hạn, đại diện Công ty May 10 phản ánh, trong bối cảnh bình thường thì thời gian đi từ ý tưởng đến thiết kế và thực hiện mất khoảng 6 tháng là chấp nhận được. Nhưng trong điều kiện hiện nay, do áp lực cạnh tranh, phải giảm xuống còn 4 tháng. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh phức tạp dẫn đến vận tải khó khăn, chờ hàng tuần mới có tàu, sức ép do đó càng lớn.

Ông Phan Đức Hiếu đặt câu hỏi: "Từ thực tế thời gian qua, chính sách của cơ quan thuế, hải quan có thể đi trước doanh nghiệp, tạo dư địa cho doanh nghiệp chứ không chỉ đi song song hoặc đi sau doanh nghiệp hay không? Ngành thuế, hải quan có thể làm tốt hơn nữa hay không?".

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, cải cách cuối cùng không phải trên văn bản mà là sự hưởng lợi của doanh nghiệp và người dân. Vị này đề xuất phải có những chính sách đặc biệt riêng cho những lĩnh vực tiềm năng để vừa cứu doanh nghiệp, vừa thúc đẩy phát triển chính sách tài khoá.

Ảnh tác giả

“Tôi hi vọng Quốc hội giao cơ chế đặc thù cho một số địa phương thì cũng cho Chính phủ cơ chế đặc thù xử lý thủ tục, quy định đặc thù trong thời gian chống dịch này. Đây cũng sẽ là mô hình thực hiện trong tương lai. Về quản lý, bên cạnh gói hỗ trợ bằng tiền thì hãy hỗ trợ nhiều hơn về kỹ thuật, chuyển đổi mô hình kinh doanh, đó cũng là cách chuyển đổi nguồn thu, nuôi dưỡng và tăng cường nguồn thu".

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc

Tin liên quan

Đọc tiếp