Đại biểu QH: Sẽ không thể tác động đấu giá đất nếu không có 'tay trong'

bđs Đấu giá đất
12:19 - 01/06/2022
Nhiều thủ đoạn trong đấu giá đất gây thất thu ngân sách Nhà nước. Ảnh minh họa
Nhiều thủ đoạn trong đấu giá đất gây thất thu ngân sách Nhà nước. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá, nâng giá trong đấu giá đất ngày càng tinh vi, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Vấn đề này tiếp tục được Đại biểu Quốc hội nêu ra trong Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.

Tại phiên thảo luận về Kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội và Ngân sách Nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã nêu ra những góc khuất, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua, với 4 vấn đề nổi lên.

Một là tình trạng thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất lên cao. Đại biểu nêu rõ, việc thắng thầu bỏ cọc không còn là chuyện hiếm trong đấu giá đất ở nước ta. Không ít nhà đầu tư đã lợi dụng chiêu trò này thắng với mức đấu giá cao chót vót, sau đó bỏ cọc nhằm kích giá đất, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số.

Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như đẩy giá đất, có những nhà đầu tư lợi dụng để nâng giá trị cổ phiếu trái phiếu và nguy hiểm hơn là có những người còn lợi dụng để "đánh võng" giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng. Việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời, đại biểu nhấn mạnh.

Hai là tình trạng quân xanh, quân đỏ, thông đồng để dìm giá tại nhiều phiên đấu giá đất. Đại biểu cho rằng thủ đoạn thao túng này gây ra những thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước chứ không chỉ đơn thuần là những vi phạm về quy định về đấu giá, đấu thầu.

Ba là tình trạng bắt tay ngầm rút ruột tài sản Nhà nước. Theo đại biểu, sẽ không thể tác động được vào cuộc đấu giá nếu như không có “tay trong”. Ở mức độ vi phạm đơn giản thì cung cấp thông tin, tiết lộ thông tin để có thể trúng giá rẻ. Ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn là sự cấu kết với những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích rút ruột của Nhà nước.

Cuối cùng là tình trạng móc ngoặc trong thẩm định giá. Đại biểu nhận định, thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng trong đấu giá đất. Tuy nhiên nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, pháp luật đã trao cho tổ chức này chức năng quá lớn, trong khi cơ chế kiểm soát lại hết sức lỏng lẻo. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều sai phạm trong thẩm định giá nói chung và thẩm định giá đất nói riêng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Với những hành vi gây hệ lụy rất lớn với kinh tế xã hội trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần phải mạnh tay xử lý. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động này; đồng thời kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất để xác minh, điều tra làm rõ nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm tội phạm trong hoạt động này.

Đấu giá lại tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng

Thực tế, các vấn đề sai phạm trong đấu giá đất như đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu trên đã tồn đọng thời gian dài. Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2021, Bộ đã có hơn 20 công văn đề nghị các Sở Tư pháp, người có tài sản và cơ quan chủ quản xem xét, xác minh, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; làm rõ hành vi vi phạm.

Từ đây, nhiều cuộc đấu giá do có hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản đã kịp dừng, hủy như: Vụ đấu giá cây cao su ở Kon Tum; đấu giá quyền sử dụng đất tại TP Việt Trì (Phú Thọ); đấu giá quyền cho thuê bãi giữ xe ở thành phố Cần Thơ; đấu giá tài sản thanh lý của Công ty Điện lực tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình...

Việc vào cuộc, xử lý quyết liệt, kịp thời của các cơ quan quản lý Nhà nước trước tình trạng thông đồng, dìm giá sẽ giúp nâng cao hiệu quả thu ngân sách Nhà nước. Như vụ đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Hóa, sau 2 lần UBND tỉnh hủy kết quả đấu giá do phát hiện hành vi vi phạm và được tổ chức đấu giá lại thì giá bán đã tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng. Hay trong vụ đấu giá tài sản của Vinashin (Quảng Ninh), hành vi đe dọa, chèn ép đã được người có tài sản ngăn chặn kịp thời, tài sản của Nhà nước không bị thất thoát.

Trước nhiều bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất tại các đô thị và từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, trong báo cáo rà soát việc ban hành và thực hiện quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất mới đây, Ủy ban Kinh tế cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra việc đấu giá đất, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, có yếu tố trục lợi trong đấu giá đất. Các cơ quan quản lý cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc đưa tài sản ra đấu giá, phê duyệt phương án đấu giá, giá khởi điểm, giám sát quá trình tổ chức đấu giá và xử lý nghiêm các vi phạm.

Sửa đổi, bổ sung hoặc bỏ những quy định không còn phù hợp, mâu thuẫn nhằm tăng tính minh bạch, công khai của đấu giá tài sản. Các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất như phương pháp xác định giá đất đảm bảo theo giá phổ biến trên thị trường, điều kiện nhà đầu tư tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền đặt cọc và số tiền đặt cọc, có chế tài xử phạt...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.