'Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp'

pháp luật CHÍNH PHỦ
23:13 - 27/02/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Trong công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2024. Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét cho ý kiến, quyết nghị đối với 11 nội dung quan trọng.

Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến kết luận đối với từng nội dung và giao các nhiệm vụ cụ thể hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật.

Trong đó, với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Thủ tướng cho rằng thuốc là hàng hóa đặc biệt nên phải có chính sách quản lý đặc biệt song cần thông thoáng trên cơ sở loại bỏ cơ chế xin cho, tuân thủ quy luật thị trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, dược liệu. Thủ tướng cũng lưu ý chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp dược.

Với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ gìn, tôn tạo, phát huy di sản văn hóa của dân tộc, phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực di sản văn hóa, huy động nguồn lực xã hội thông qua tăng cường hợp tác công tư; phát triển nguồn nhân lực văn hóa.

Về chuẩn bị đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan trình các đề nghị xây dựng luật để trình Chính phủ xem xét, thông qua; tổng hợp đưa vào đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội.

Về việc chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 sắp tới, số lượng các dự án luật rất lớn, vì vậy nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo quy định.

Đối với 2 dự án luật, gồm dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 1/2024, giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng thời hạn.

Đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, giao Bộ Xây dựng khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật - Ảnh: VGP
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật - Ảnh: VGP

Nâng cao chất lượng các dự án luật, tháo gỡ được các khó khăn trong thực tiễn

Lưu ý một số trọng tâm, yêu cầu trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Đồng thời, tập trung nguồn lực, có chế độ chính sách phù hợp với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; rút ngắn hơn nữa quy trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta. Tăng cường truyền thông chính sách, nhất là truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, xử lý được các vấn đề đã có quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua, các vấn đề mới chưa có quy định điều chỉnh. Tăng cường năng lực phản ứng chính sách, bảo đảm quy trình, thủ tục đúng quy định.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý thiết kế chính sách, quy định và diễn đạt bảo đảm rõ ý, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá. Chú trọng lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, doanh nghiệp, người dân.

"Với các vấn đề còn ý kiến khác nhau thì thiết kế các phương án cụ thể, nêu rõ quan điểm để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa sai phạm. Cắt giảm tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, không gây phiền hà, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.