ĐBQH băn khoăn việc doanh nghiệp mua đất nông nghiệp xây nhà ở thương mại

Đất Đai QUỐC HỘI
14:04 - 30/08/2023
 Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai - Ảnh:quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai - Ảnh:quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lo ngại doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản mua đất nông nghiệp, đất rừng chuyển sang mục đích xây dự án nhà ở thương mại.

Sáng 30/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo dự thảo mới nhất, Nhà nước được quyết định chính sách thu, chi tài chính về đất đai; điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Phương án thu hồi đất được thiết kế theo hai hướng để xin ý kiến đại biểu.

Thứ nhất là Nhà nước được thu hồi đất, giao tổ chức phát triển quỹ đất do Nhà nước thành lập để đấu giá quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo tiếp cận đất đai công khai, minh bạch, tăng thu ngân sách, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội. Thứ hai là dự luật không quy định nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhất trí với phương án Nhà nước thu hồi đất để điều tiết chênh lệch giá trị tăng thêm từ đất do thay đổi quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng. Việc này nhằm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân - nhà đầu tư. Người dân có đất thu hồi sẽ được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Cho ý kiến thảo luận về vấn đề này, Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng có một số nội dung trong dự thảo luật chưa được cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW.

Đó là quan điểm Nhà nước có trách nhiệm điều tiết giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra để đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Đại biểu cho rằng, hiện các chính sách mới chỉ thể hiện được một phần, cần tiếp tục hoàn thiện chênh lệch về địa tô đối với dự án không phải qua đấu giá, đấu thầu, hay người sử dụng đất được hưởng lợi từ chính sách quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn chưa có quy định về điều tiết như thế nào.

"Những dự án không qua đấu giá, đấu thầu thì chênh lệch địa tô làm như thế nào?", đại biểu đặt câu hỏi và cho rằng cần có cơ chế rõ ràng để hoàn thiện.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, người sử dụng đất được hưởng lợi từ chính sách quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, thay đổi hạng đất, giá trị đất. Một con đường sau khi mở rộng, một bộ phận người dân di dời được bồi thường, nhưng người ở lại được hưởng lợi khi vị trí đất và giá trị thay đổi. Dù vậy, dự thảo chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hóa trường hợp này.

Từ phân tích trên, đại biểu đề xuất nếu quy hoạch làm thay đổi giá trị đất, cần ghi vào giấy tờ sử dụng đất. Nếu người đó tiếp tục sử dụng đất thì chưa thu chênh lệch địa tô, nhưng nếu họ mang đi giao dịch, chuyển nhượng thì địa tô chênh lệch ấy được thể hiện ra giá trị bằng tiền, phải điều tiết bằng ngân sách. "Cần nghiên cứu, tiếp tục điều chỉnh sao cho chính sách thật công bằng, minh bạch", đại biểu Lâm nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Trong khi đó, tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai băn khoăn với điều khoản cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại trên đất không phải đất ở. Nghị quyết 18 nêu "tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp trong dự án đô thị, nhà ở thương mại".

Tuy nhiên, nếu vận dụng nội dung này theo hướng cho doanh nghiệp thỏa thuận quyền sử dụng đất để kinh doanh dự án nhà ở thương mại là không phù hợp.

"Quy định thế này thì doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản có quyền mua hết đất nông nghiệp, đất rừng chuyển sang mục đích xây dự án nhà ở thương mại, khi đó việc thu hồi chênh lệch địa tô càng khó khăn hơn", ông Long nêu quan điểm.

Từ những phân tích nói trên, đại biểu Long cho rằng, cả hai loại ý kiến được Ủy ban Kinh tế báo cáo đều phải cân nhắc.

"Tôi đề nghị quy định chặt chẽ doanh nghiệp chỉ được thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại theo đúng mục đích sử dụng và quy hoạch đất", đại biểu Long nêu ý kiến.

Mặt khác, tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Công Long cũng quan tâm đến quy định các trường hợp được thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Đại biểu cho rằng, mục đích của quy định này thực chất là cho phép doanh nghiệp thỏa thuận xây dựng nhà ở thương mại trên đất không phải đất ở.

Tại Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất (tháng 1/2022), Chính phủ đề nghị sửa Luật Nhà ở theo hướng cho phép doanh nghiệp thỏa thuận xây dựng nhà ở thương mại trên đất không phải đất ở.

"Khi giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo số 104 ngày 1/1/2022 nêu rõ quan điểm không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để xây dựng nhà ở thương mại, tránh xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Tôi xin trích nguyên văn", đại biểu Long phát biểu.

Vị đại biểu băn khoăn là cho đến nay, không biết tình hình đã có chuyển biến gì lớn dẫn đến phải đề cập đến vấn đề này.

Đọc tiếp