ĐBQH: Thiếu lao động chất lượng cao đang là lực cản của nông nghiệp hiện đại

NÔNG NGHIỆP QUỐC HỘI
21:51 - 01/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Đánh giá tích cực về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tuy nhiên các đại biểu Quốc hội cũng trăn trở về tình hình sản xuất nông nghiệp còn khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao và đặc biệt là tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao. 

Ngày 1/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong phiên thảo luận Nghị trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiều đại biểu đã đề cập đến những khó khăn của nông dân trong sản xuất nông nghiệp và kiến nghị Chính phủ đưa ra những giải pháp can thiệp kịp thời.

Đề nghị bình ổn giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp

Thống nhất cao với các nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đại biểu Nguyễn Tạo đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng khẳng định, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh những mặt tích cực của nền kinh tế, ông Tạo cũng chỉ ra những khó khăn nhất định như giá vật tư đầu vào phân bón tăng ở mức cao so với bình quân hằng năm do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, giá xăng dầu, chuỗi giá trị nông sản còn bị hạn chế, chưa thực sự bền vững, tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn…

Đại biểu Nguyễn Tạo đến từ Lâm Đồng

Đại biểu Nguyễn Tạo đến từ Lâm Đồng

“Do vậy, đề nghị Chính phủ cần có những chính sách can thiệp kịp thời để bình ổn giá cả vật tư đầu vào như giá phân bón, giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu. Đồng thời có những giải pháp đấu tranh quyết liệt về gian lận thương mại, nhất là đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Nhà nước chú trọng việc giải quyết cơ chế, cải cách thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình xóa đói giảm nghèo và Chương trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi).

Cùng đưa ra ý kiến về việc kiểm soát giá cả vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, đại biểu Châu Quỳnh Dao, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang nói về nỗi vất vả của những người nông dân trong cơn bão giá, như giá thuốc thú y, giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là giá phân bón.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao mong rằng Chính phủ kiểm soát chặt chẽ vấn đề xuất khẩu phân bón để đáp ứng được nguồn cung trong nước, để không khan hiếm và hạ giá thành nhằm giảm bớt gánh nặng cho người nông dân.

"Để người nông dân không bị thiệt thòi do sản xuất ngày càng thua lỗ, kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật số 71 Quốc hội khoá XIII, trong đó có quy định là giá phân bón là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng theo hướng chịu thuế giá trị gia tăng để được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước", đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu ý kiến.

Nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu lao động ngành nông nghiệp ở ĐBSCL

Bên cạnh việc ổn định vật tư đầu vào, vấn đề thiếu hụt lao động có trình độ cao trong ngành nông nghiệp cũng được nêu ra tại phiên thảo luận.

Đại biểu Trần Văn Sáu đến từ tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ sớm quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp các địa phương có giải pháp giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động trong nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu nêu thực tế quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên một lượng lớn lao động đã dịch chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp. Đây là điều bình thường, phù hợp với tiến trình phát triển nhưng khi hàng triệu lao động trở về từ vùng dịch đã cho thấy thực tế về thực trạng mất cân đối lao động hiện nay.

Ông Sáu phân tích, không chỉ thiếu lao động trong ngành nông nghiệp, Đồng bằng Sông Cửu Long đang thiếu hụt lao động có trình độ khoa học kỹ thuật. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, chế biến, tiêu thụ để tăng giá trị hàng nông sản.

Tuy nhiên, thiếu lao động có trình độ cao thực sự đang là lực cản cho sự phát triển nông nghiệp hiện đại. Hiện đang tồn tại nghịch lý, Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng trọng điểm nông nghiệp nhưng tỷ lệ cán bộ khoa học kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất thấp so với đội ngũ trí thức khác, đại biểu Trần Văn Sáu nhận định.

Đại biểu Trần Văn Sáu đến Đồng Tháp

Đại biểu Trần Văn Sáu đến Đồng Tháp

“Đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần sớm hiện thực Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là triển khai nhanh các dự án để kết nối nông thôn với đô thị, phát triển kinh tế xã hội để giải quyết việc làm tại chỗ, ổn định cuộc sống nhân dân”.

“Nguyên nhân một phần là thu nhập không cao, đời sống khó khăn nên đội ngũ trí thức không thiết tha với ruộng vườn và thiếu năng động, sáng tạo. Đại biểu đề nghị các bộ, ngành sớm đề xuất với Chính phủ có chính sách thu hút lực lượng này nhằm giải quyết đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nói.

Theo ông Trần Văn Sáu, việc ưu tiên đào tạo và thực hiện tốt chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật là động lực để nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển nhanh, hiệu quả, an toàn và bền vững.

Tin liên quan

Đọc tiếp