Quốc hội bàn giải pháp 'cứu nguy' cho thị trường xuất khẩu nông sản

QUỐC HỘI Việt nAM
17:54 - 11/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Chi phí đầu vào tăng cùng với những thách thức trong xuất khẩu nông sản do cạnh tranh quốc tế, cùng với sự không chắc chắn của các thị trường truyền thống đang là những khó khăn của ngành nông nghiệp được Quốc hội họp bàn ngày 11/5.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp lần thứ 11 bàn về các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng sáng 11/5, trong đó xem xét, cho ý kiến về 11 nội dung và 3 nội dung cho ý kiến bằng văn bản.

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và trong các tháng đầu năm 2022. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm phân tích, đánh giá, làm rõ.

Do tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp; chính sách “zero” COVID của Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine và những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đã bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cạnh tranh quốc tế, cũng như sự không chắc chắn từ thị trường truyền thống.

Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

“Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định dẫn tới hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc, tình trạng ùn ứ phương tiện trong việc xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc thời gian qua, nhất là một số cửa khẩu có hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp”.

Ngoài ra, ông Thanh cũng lưu ý việc sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với chi phí đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn cung phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường của ngành nông nghiệp được Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá chưa thực sự đáp ứng yêu cầu khi phải thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Ngoài ra, ông Thanh đã nêu lại một ý kiến đề nghị bổ sung báo cáo về thực trạng phát triển hạ tầng nghề cá và nguồn lực (kinh phí, nhân lực) phục vụ cho nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp và nỗ lực gỡ Thẻ vàng trong khai thác hải sản.

Cùng ý kiến với ông Thanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, GDP quý I/2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt tăng 2,35%, 3,86% và 2,54%.

Tuy nhiên, nông nghiệp chưa tập trung nhiều vào sản xuất sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu mạnh và chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Nông nghiệp vẫn phải nhập khẩu lớn một số nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất (giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) dẫn đến khó khăn khi giá đầu vào tăng.

Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Xuất khẩu nông sản phần lớn là nông sản thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, thiếu đầu ra bền vững, tiêu thụ phụ thuộc lớn vào một số thị trường với yêu cầu tiêu chuẩn không cao dẫn đến khó chuyển đổi thị trường khi bị từ chối nhập khẩu”.

Cũng theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, doanh nghiệp nhìn chung còn gặp khó khăn về tài chính, áp lực tăng lương để tuyển dụng, giữ chân người lao động, chi phí đầu vào tăng cao, một số thị trường bị ảnh hưởng lớn do cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.

Giải pháp thời gian tới

Xác định năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đưa ra một số định hướng nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, ông Thanh cho rằng, các cơ quan/ban ngành cần cập nhật, nghiên cứu kỹ, tổng thể tác động của các lệnh trừng phạt liên quan xung đột Nga – Ukraine, chính sách “zero COVID" của Trung Quốc tới kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam và hợp tác Việt Nam – Nga, để kịp thời báo cáo, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để có phản ứng chính sách đúng lúc, hiệu quả.

Từ đó, đặt ra nhiệm vụ kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy, đặc biệt là chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam.

Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng cần theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, đặc biệt là vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Một giải pháp khác được ông Thanh đề cập đến là xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam mà có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường Nga, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, tránh làm gián đoạn hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

“Khuyến nghị và hướng dẫn doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác xuất khẩu và đầu tư để giảm thiểu tác động tiêu cực và bảo đảm ứng phó, thích ứng tốt với các biến động kinh tế thế giới”, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị.

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đặt ra cho ngành nông nghiệp nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.

Tin liên quan

Đọc tiếp